Mong manh thoả thuận ngừng bắn ở Trung Đông

(VOV5) - Sau một loạt nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, cuộc giao tranh ác liệt ở dải Gaza khiến gần 200 người thiệt mạng tuần qua, cuối cùng đã tạm thời chấm dứt khi tối 21/11, chính phủ Israel và phong trào Hồi giáo Hamas nhất trí ngừng bắn. Lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ 19h giờ GMT tuy nhiên dư luận vẫn rất hoài nghi về tính bền vững của thoả thuận này vì đây không phải là lần đầu tiên trong vài năm qua, chính phủ Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đồng ý ngừng bắn.

Mong manh thoả thuận ngừng bắn ở Trung Đông - ảnh 1

Người dân vui mừng sau thỏa thuận ngừng bắn (Ảnh AFP)



Lệnh ngừng bắn được Ai Cập, nước trung gian hoà giải, tuyên bố tại cuộc họp báo cùng với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ở thủ đô Cairo ngày 21/11. Trước đó, thông cáo từ Văn phòng Thủ tướng Israel cũng cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã nhất trí với đề xuất ngừng bắn của Ai Cập nhằm chấm dứt một tuần bạo lực đẫm máu vừa qua ở trong và xung quanh Dải Gaza. Phía phong trào Hồi giáo Hamas cũng thông báo xác nhận việc hai bên đạt được thỏa thuận. Theo thỏa thuận ngừng bắn mới, Israel sẽ ngừng toàn bộ các cuộc tấn công trên mọi địa hình ở dải Gaza và các phe phái Palestine sẽ phải dừng mọi hoạt động chống Israel bao gồm việc bắn tên lửa và các cuộc tấn công ở khu vực biên giới. Israel cũng cam kết sẽ mở toàn bộ cửa khẩu biên giới và nới lỏng hạn chế đi lại đối với người và hàng hóa ra vào dải Gaza.

Việc Nhà nước Do Thái đồng ý ngừng bắn vào thời điểm mà chiến dịch Trụ cột quốc phòng của Israel đang có khả năng trở thành một cuộc xâm lược quy mô lớn ở dải Gaza là có nhiều lý do. Trong đó điểm đáng chú ý, theo giới phân tích, nếu chiến dịch quân sự kéo dài sẽ là lợi bất cập hại đối với Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu khi mà cuộc bầu cử Quốc hội đang đến gần. Bất kỳ sai lầm nào về quân sự cũng có thể đẩy việc ông Netanyahu vào thế yếu trong cuộc bầu cử đầu năm sau. Đó là chưa kể đến việc chỉ có 30% công chúng ủng hộ chiến dịch quân sự bộ binh của Israel vào dải Gaza. Về phía phong trào Hồi giáo Hamas, họ cũng không có lợi nếu cuộc giao tranh kéo dài. Ngoài việc nội bộ phong trào đang có mâu thuẫn trong việc lựa chọn nhà lãnh đạo mới thì tại dải Gaza, Hamas cũng đứng trước sự cạnh tranh quyết liệt của các tổ chức khác.

Tuy thoả thuận ngừng bắn đã đạt được nhưng đi kèm với những lời chúc mừng, cộng đồng quốc tế vẫn quan ngại về tính bền vững của nó vì trong lịch sử những trận giao tranh ở dải Gaza, không ít lần chính phủ Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã đạt được thoả thuận ngừng bắn để rồi lại đổ vỡ không lâu sau đó. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon coi việc đạt được lệnh ngừng bắn là điều cần thiết tại dải Gaza, với người dân Gaza, đồng thời ông cũng kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau để duy trì lệnh ngừng bắn này. Theo Tổng thư ký Ban Ki – moon, đây chính là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế hiện nay song ông cũng thừa nhận việc duy trì lệnh ngừng bắn là việc làm khó khăn. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clintơn cho biết Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn. Bà Hillary cũng không quên khẳng định trong những ngày tới, Mỹ và các đối tác tại khu vực sẽ củng cố tiến trình này và cải thiện điều kiện sống cho người dân ở dải Gaza cũng như đảm bảo an ninh cho Israel. Ngoại trưởng Ai Cập Mohamed Kamel Amr thì kêu gọi tất cả các bên cùng giám sát việc thực hiện các điều khoản của thỏa thuận cũng như cam kết của các bên liên quan.

Sở dĩ đi kèm với lời chúc mừng, cộng đồng quốc tế còn kêu gọi 2 bên tuân thủ nghiêm túc lệnh ngừng bắn vì họ quá hiểu bản chất mối quan hệ giữa chính phủ Israel và phong trào Hồi giáo Hamas. Lâu nay Israel luôn liệt phong trào Hamas vào danh sách các tổ chức khủng bố và trên thực tế đã tuyệt giao với lực lượng đang có thực lực mạnh hàng đầu của người Palestine này. Còn Hamas cũng chưa bao giờ thừa nhận nhà nước Do Thái. Suy cho cùng, đây là một lệnh ngừng bắn xuất phát từ đòi hỏi của tình thế chứ chưa phải thực tâm mong muốn của những người trong cuộc. Đó là chưa kể đến việc các phe phái khác ở dải Gaza có bằng lòng với thoả thuận vừa đạt được giữa chính phủ Israel và phong trào Hồi giáo Hamas hay không.

Việc nhà nước Do Thái và phong trào Hồi giáo Hamas đạt được thoả thuận ngừng bắn, trước hết phải nói là tín hiệu đáng mừng cho hoà bình ở khu vực song việc  duy trì thoả thuận này lại là vấn đề khác. Xem ra, hoà bình ở nơi đây vẫn còn rất mong manh./. 

Phản hồi

Các tin/bài khác