(VOV5) -Dù còn những tồn tại, hạn chế nhất định nhưng nỗ lực của Việt Nam trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người là không thể phủ nhận.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới đây công bố Báo cáo thường niên về tình hình buôn người trên thế giới năm 2018, trong đó đã xếp Việt Nam ở nhóm các nước cần được theo dõi về tệ buôn người. Báo cáo cũng có những nhìn nhận thiếu khách quan, đánh giá sai lệch, gây hiểu lầm và tạo cớ để các thế lực thù địch suy diễn, xuyên tạc tình hình Việt Nam, đặc biệt là đã phủ nhận những nỗ lực đấu tranh chống nạn buôn người của Việt Nam nhiều năm qua.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng: “Chính phủ Việt Nam xác định số lượng nạn nhân ít hơn đáng kể so với năm 2016 và nhà chức trách không tiếp tục giải quyết các vụ án hình sự đang trong quá trình giải quyết do thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành đối với các quy định sửa đổi của Bộ luật hình sự”. Báo cáo nhận định các nỗ lực chống nạn buôn người vẫn chưa hiệu quả do thiếu cơ chế phối hợp liên ngành và có hiện tượng “cán bộ cấp xã, thôn đồng lõa trong các vụ phạm tội buôn người”.
Lực lượng biên phòng bắt giữ một đối tượng buôn người sang biên giới:
-Ảnh minh họa An Kiên/VOV |
Những cáo buộc thiếu khách quan, xuyên tạc sự thật
Theo báo cáo thống kê của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), một số khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Á là nơi xảy ra nạn buôn người nhiều hơn và thời gian gần đây, nổi lên tình trạng di cư từ các nước Trung Mỹ qua Mexico vào Mỹ. Nghĩa là mọi quốc gia trên thế giới, thậm chí chính Hoa kỳ cũng phải chịu tác động mạnh từ hệ quả mua bán người và di cư bất hợp pháp. Ở khu vực Đông Nam Á, tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (từ ngày 24 - 27/9/2018) và Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN lần thứ 12 (từ ngày 29/10 - 02/11/2018) về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia đều đánh giá tình hình tội phạm mua bán người và di cư trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, Việt Nam cũng như Hoa kỳ và như mọi quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, đều đang phải đối mặt với vấn đề có tính toàn cầu và phức tạp là nạn buôn người.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng năm 2018 tại Việt Nam xảy ra 350 vụ buôn người, bắt hơn 400 đối tượng bị cáo buộc là buôn bán người. Con số này tăng so với năm 2016 (xảy ra 234 vụ và 308 người bị cáo buộc). Tuy nhiên, trên thực tế, số liệu của các cơ quan chức năng Việt Nam lại hoàn toàn khác. Năm 2018, lực lượng chức năng Việt Nam đã phát hiện 211 vụ với 276 đối tượng, lừa bán 386 nạn nhân, so với năm 2017 giảm gần 44% số vụ và hơn 43% số đối tượng.
Cũng trong năm 2018, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.500 trường hợp, trong đó xác định 490 trường hợp nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép. 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, được tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng phát hiện 89 vụ, 142 đối tượng lừa bán 169 nạn nhân, giảm so với cùng kỳ năm trước cả về số vụ, số đối tượng và số nạn nhân. Rõ ràng là Báo cáo của Bộ ngoại giao Hoa kỳ không phản ánh đúng sự thật về việc đấu tranh chống nạn buôn người ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, ngày 30-7 hằng năm là “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người”. ảnh minh họa: Hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người tại một trường học ở Cà Mau. - Ảnh minh họa camautv.vn |
Nỗ lực không ngừng để đấu tranh với tệ buôn người
Thực tế, việc phòng chống mua bán người được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm. Với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, ngày 10-5-2016, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quyết định lấy ngày 30-7 hằng năm là “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người”. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động phòng chống mua bán mua bán người giai đoạn 2016-2020, hướng tới mục tiêu chung là giảm nguy cơ mua bán người, tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về...
Để theo kịp với những diễn biến của tình hình, Việt Nam luôn tích cực nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng ngày càng đồng bộ hơn, tính khả thi cao hơn, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán khi được giải cứu.
Việt Nam còn tích cực tham gia và thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện các điều ước quốc tế đấu tranh với tội phạm buôn người. Các hoạt động nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống mua bán người được Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ. Việt Nam gia nhập Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia từ ngày 8-6-2012; Nghị định thư về phòng ngừa trấn áp và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em từ ngày 29-12-2011 và Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế về chống lao động cưỡng bức. Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em (Công ước Actip)...
Được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam triển khai thành công dự án thành lập đường dây nóng phòng, chống buôn bán người. Việc làm này được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam.
Cần phải thấy rõ một thực tế là không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới hoạt động mua bán người đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Ðây là công việc nhiều khó khăn, trở ngại nhưng với quyết tâm chính trị và bằng kinh nghiệm của mình Việt Nam, sẽ tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người.
Dù còn những tồn tại, hạn chế nhất định nhưng nỗ lực của Việt Nam trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người là không thể phủ nhận. Những kết quả nổi bật nói trên cho thấy những cáo buộc của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ rằng “vấn đề buôn bán người tại Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng” là không có cơ sở, phiến diện và xuyên tạc sự thật.