(VOV5) - Dư luận biết rằng có nhiều ẩn ý đằng sau động thái lần đầu tiên gán cho quân đội quốc gia khác là tổ chức khủng bố của Tổng thống Trump.
Gần một năm sau ngày tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, ngày 8/4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có động thái chưa từng có tiền lệ khi thông báo coi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) là tổ chức khủng bố. Điều này sẽ mở đường cho việc Mỹ mở rộng áp dụng các biện pháp trừng phạt với Iran, đẩy quốc gia Trung Đông này vào tình thế ngày càng khó khăn. Đồng thời cũng khoét sâu mâu thuẫn quan hệ Mỹ - Iran.
Quốc kỳ hai nước Mỹ và Iran - Ảnh: TTXVN |
Vệ binh Cách mạng, đơn vị quân sự tinh nhuệ nhất của Iran, được thành lập ngay sau cuộc cách mạng năm 1979. Vệ binh Cách mạng đã trở thành một lực lượng quân sự, chính trị và kinh tế lớn ở Iran, có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống chính trị cũng như kinh tế nước này.
Rộng đường cho trừng phạt kinh tế
Dư luận biết rằng có nhiều ẩn ý đằng sau động thái lần đầu tiên gán cho quân đội quốc gia khác là tổ chức khủng bố của Tổng thống Trump. Dán nhãn Vệ binh Cách mạng là một tổ chức khủng bố sẽ cho phép Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt tiếp theo, đặc biệt ảnh hưởng đến lĩnh vực kinh doanh, do sự tham gia của Vệ binh Cách mạng vào nền kinh tế Iran. Một số thực thể của lực lượng này và các tổ chức liên kết đã bị Mỹ nhắm các lệnh trừng phạt vào vì các hoạt động bị cáo buộc là phổ biến, hỗ trợ cho khủng bố và vi phạm nhân quyền.
Vì thế mà giới chức Mỹ đánh giá việc coi Vệ binh cách mạng Iran là tổ chức khủng bố là bước đi chưa từng có. Ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng thừa nhận rằng động thái này nhằm "mở rộng đáng kể phạm vi và quy mô" áp lực đối với Iran. Người đứng đầu Nhà Trắng dường như cũng cảnh báo các quốc gia, thực thể khác khi nói thêm rằng nếu đang kinh doanh với Vệ binh Cách mạng, tức là đang tài trợ cho khủng bố. Ngay sau động thái của Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo tất cả các ngân hàng và doanh nghiệp về những hậu quả nếu tiếp tục thực hiện giao dịch với lực lượng Vệ binh cách mạng Iran.
Và Mỹ chưa có ý định dừng lại khi phát biểu trước một ủy ban Thượng viện ngày 10/4, ông Mike Pompeo cho biết Tổng thống Donald Trumph sẽ tiếp tục gia tăng sức ép đối với Iran để buộc nước này phải thay đổi hành vi.
Quan ngại
IRGC không chỉ có tầm ảnh hưởng lớn về chính trị mà còn có vai trò quan trọng với kinh tế Iran, có mối liên kết với rất nhiều cá nhân và tổ chức ở nước ngoài. Vì vậy một động thái có ảnh hưởng sâu rộng của Mỹ có thể phá vỡ mọi thứ từ các liên kết kinh tế-ngoại giao đến một loạt các liên kết toàn cầu. Các nhà phân tích cho rằng động thái này của Mỹ, cùng với sự trả đũa có thể có từ Iran và các lực lượng Hồi giáo dòng Shi'ite ở các quốc gia Trung Đông, sẽ tiếp tục làm leo thang cuộc đối đầu trong khu vực, và làm phức tạp nhiệm vụ của các lực lượng và giới ngoại giao Mỹ trong khu vực, vốn phải liên kết với các chính phủ có mối liên hệ mật thiết với Iran và thậm chí với chính Iran về một nhóm các vấn đề nhạy cảm.
Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo Mỹ cũng lo ngại rằng động thái trên của ông Trump có thể dẫn đến sự phản ứng dữ dội nhằm vào các lực lượng Mỹ trong khu vực "mà không hề gây tổn hại như dự tính đối với nền kinh tế Iran". Lo ngại này là không thừa khi các nhóm kháng chiến của Palestine, Iraq lên án Mỹ đưa IRGC vào trong danh sách đen và cho biết động thái của Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới cách tiếp cận của các nhóm kháng chiến này. Còn Tổng thống Iran Hassan Rouhani lên án quyết định của Mỹ, khẳng định IRGC đã chiến đấu chống khủng bố từ khi thành lập và ông tin tình cảm của người dân Iran đối với Vệ binh Cách mạng sẽ chỉ càng mãnh liệt hơn do động thái của Washington. Ông cũng lưu ý rằng Iran sẽ không cho phép các lệnh trừng phạt của Mỹ gây đình trệ hoặc ngăn cản sự phát triển khoa học và quân sự của nước này.
Quyết định trừng phạt Vệ binh cách mạng Iran sẽ có hiệu lực từ đầu tuần tới. Tuy Mỹ cho rằng đây là điều cần thiết để buộc Iran phải có các động thái thay đổi mạnh mẽ về chương trình hạt nhân song chắc chắn Iran không dễ dàng bỏ cuộc.