(VOV5) - Việc thành lập "Quỹ vaccine" phòng, chống COVID - 19 tạo sự lan toả sâu rộng trong xã hội.
Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID - 19 lần thứ 4. Đợt dịch phức tạp, quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay đã gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch, các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân. Trong bối cảnh đó, mới đây, Bộ chính trị đã kết luận về một số nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội.
Hình ảnh tại Phiên họp Bộ Chính trị ngày 11/6. Ảnh: VOV |
Trong đợt dịch lần thứ 4, tinh thần đoàn kết, thương thân, tương ái, sự đồng hành, tin tưởng, ủng hộ, chung tay góp sức trong công tác phòng, chống dịch, phát triển kinh tế của nhân dân trong nước và đồng bào ở nước ngoài tiếp tục phát huy. Bên cạnh đó là sự chủ động vào cuộc của chính quyền các cấp, các đoàn thể, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng y, bác sĩ, quân đội, công an và đội ngũ cán bộ ở cơ sở nơi tuyến đầu chống dịch…Việc thành lập "Quỹ vaccine" phòng, chống COVID - 19 tạo sự lan toả sâu rộng trong xã hội.
Chủ động mọi phương án để kịp thời ứng phó với đại dịch
Tuy Việt Nam đang phát huy kinh nghiệm từ 3 đợt chống dịch trước và ghi nhận những kết quả tích cực trong lần chống dịch này, song Bộ chính trị yêu cầu toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Toàn hệ thống cần chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác. Các cấp lãnh đạo tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp, đang xuất hiện các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi; không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19. Ảnh: VGP |
Để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vaccine cho người dân, Bộ chính trị yêu cầu tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hoá, phát triển "Quỹ vaccine" phòng, chống COVID-19, xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vaccine. Về việc tiêm vaccine, cần tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp; nghiên cứu, xem xét việc tiêm vaccine cho trẻ em. Cùng với đó là sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vaccine cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vaccine, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực về nghiên cứu ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vaccine.
Không để gián đoạn sản xuất
Trong bối cảnh dịch COVID -19 ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội, Bộ chính trị yêu cầu bảo đảm triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch. Các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất, nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu sức khỏe điện tử với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang. Đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch tại các địa phương, nhất là các địa phương có dịch COVID -19 diễn biến phức tạp. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất thường.
Điểm tiêu thụ nông sản an toàn. Ảnh: VOV |
Trải qua 3 đợt bùng phát dịch COVID - 19, Việt Nam đã đề cao cách tiếp cận mang tính chủ động lớn khi ứng phó với virus lây lan trong cộng đồng. Sự bình tĩnh, điều hành có hệ thống đã đem lại hiệu quả cao trong phòng chống dịch cũng như trong phát triển kinh tế. Trong đợt dịch thứ 4 này, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ chính trị, sự chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, người dân tin tưởng Việt Nam một lần nữa sẽ vượt qua dịch COVID - 19.