(VOV5) - Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua.
Hôm nay, Đảng cộng sản Việt Nam kỷ niệm 94 năm ngày thành lập (3/2/1930 -3/2/2024). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, Việt Nam đã trở thành một nước độc lập, có chủ quyền. Giang sơn gấm vóc 330 nghìn km2 từ Hữu Nghị Quan đến Mũi Cà Mau với hơn 3.200 km bờ biển và vị trí địa chính trị, địa kinh tế có tầm quan trọng đặc biệt, đã được thu về một mối, đã và đang ngày càng phát triển và hội nhập cùng thế giới.
Ảnh minh họa - Nguồn: congthuong.vn |
Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử do Đảng khởi xướng và lãnh đạo tổ chức thực hiện, đã khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Kinh tế phát triển và tăng trưởng liên tục
Trước Đổi mới (năm 1986), Việt Nam vốn là một nước nghèo, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Sau chiến tranh, Việt Nam bị bao vây, cấm vận kinh tế trong suốt gần 20 năm. Lương thực, hàng hoá nhu yếu phẩm thiếu thốn, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, khoảng 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ.
Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Quy mô GDP năm ngoái của Việt Nam đạt khoảng 430 tỉ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. GDP bình quân đầu người tăng 58 lần, lên mức khoảng 4.300 USD năm 2023. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD).
Từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2023. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút FDI.
An sinh xã hội được đảm bảo, trường phái đối ngoại đặc sắc
Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước) năm 2023. Hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và mạng điện thoại. Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều sân bay, bến cảng hiện đại, hơn 1.900 km đường cao tốc và phủ sóng rộng rãi mạng 4G, 5G. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023. Hiện Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới.
PGS.TS Bùi Đình Phong, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định: "Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp đấy là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đấy có thể nói là thành quả rất lớn. Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa hội quá độ là có sự đan xen giữa cái cũ và cái mới. Cuối cùng, chúng ta phải hướng tới là tiến bộ phải thắng cái lạc hậu".
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: baoquocte.vn |
Trong gần 40 năm đổi mới, Đảng đã hình thành nên một trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Kết quả là, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Những kết quả có được trước hết là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý tập trung, hiệu quả của Nhà nước; sự đoàn kết, thống nhất với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa đối ngoại và quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa- xã hội..... xử lý các vấn đề đối ngoại theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, từ đó có các biện pháp triển khai phù hợp, tận dụng cơ hội và hóa giải thách thức để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đối ngoại".
Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo tổ chức thực hiện tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, phát triển vững vàng và không ngừng hội nhập cùng thế giới hôm nay.