(VOV5) - Quyết định của Tòa tối cao Mỹ được xem như thắng lợi bước đầu của Tổng thống Donald Trump song quyết định này có thể bị thay đổi khi Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét lại toàn bộ sắc lệnh nói trên vào tháng 10 tới.
Hôm nay, ngày 29/6, phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ về việc khôi phục một phần sắc lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân 6 quốc gia Hồi giáo của chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức có hiệu lực. Đây là lần đầu tiên Tòa án Tối cao Mỹ, cơ quan tư pháp cao nhất của Hoa Kỳ, ra quyết định chính thức đối với sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump, một sắc lệnh đã bị phong tỏa bởi các tòa án cấp dưới khiến văn kiện này không thể có hiệu lực. Quyết định của Tòa tối cao Mỹ được xem như thắng lợi bước đầu của Tổng thống Donald Trump song quyết định này có thể bị thay đổi khi Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét lại toàn bộ sắc lệnh nói trên vào tháng 10 tới.
Tòa án Tối cao Mỹ ở thủ đô Washington. Ảnh: Reuters
|
Sắc lệnh hạn chế nhập cư được Tổng thống Donald Trump ký hôm 6/3/2017 cấm công dân 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày và đình chỉ việc cho phép người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày. Sắc lệnh này được đánh giá là có nhiều điều chỉnh "mềm mỏng" hơn so với sắc lệnh cũ công bố hồi cuối tháng 1. Tuy nhiên, giới chức Tư pháp các bang của Mỹ cho rằng dù phạm vi điều chỉnh của sắc lệnh mới đã thu hẹp nhưng về cơ bản văn kiện này vẫn là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo nhất định.
Theo phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ vừa ban hành, Tòa không cấm toàn bộ công dân 6 nước nhập cảnh vào nước này mà vẫn cho phép những người có mối liên hệ hợp pháp với các cá nhân và tổ chứcMỹ được nhập cảnh ví dụ như các sinh viên đã có giấy nhập học, người lao động có hợp đồng hay thân nhân của những người định cư hợp pháp tại Mỹ.
Phản ứng trái chiều của dư luận
Ngay sau khi Tòa án tối cao ra phán quyết khôi phục một phần sắc lệnh cấm nhập cảnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh quyết định này. Ông Trump nhấn mạnh quyết định nói trên của Tòa án Tối cao là một chiến thắng rõ rệt đối với an ninh quốc gia. Tổng thống Mỹ gọi quyết định này như một công cụ giúp ông có thể bảo vệ nước Mỹ một cách hiệu quả. Đồng quan điểm này, 3 vị thẩm phán có quan điểm cực hữu trong tổng số 9 vị thẩm phán của Tòa án tối cao, cho rằng sắc lệnh cần phải được khôi phục trọn vẹn và lợi ích quốc gia phải được đặt lên trên hết. Ngược lại, những nghị sỹ Mỹ vốn phản đối sắc lệnh cấm nhập cảnh tỏ ra thất vọng khi cho rằng phán quyết của Tòa án tối cao làm xói mòn những nền tảng căn bản của nền dân chủ Mỹ. Trong khi đó, giới luật sư Mỹ cho rằng phán quyết của Tòa thể hiện quan điểm cân bằng giữa 2 đối trọng mà ở đây là an ninh quốc gia và quyền con người.
Các thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ. Ảnh: New York Times.
|
Các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi sắc lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã có những phản ứng ban đầu. Giới chức Yemen bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ. Một quan chức thuộc Bộ Các vấn đề về người định cư ở nước ngoài của Yemen, ông Ahmed al-Nasi, cho rằng quyết định trên sẽ không giúp ích trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, trái lại nó sẽ khiến những nước Hồi giáo có liên quan cảm thấy họ đang trở thành mục tiêu.
Trong khi đó, lường trước được những rắc rối do lệnh cấm nhập cảnh gây ra, sau khi Tòa án tối cao ra phán quyết khôi phục một phần sắc lệnh cấm nhập cảnh, Bộ an ninh nội địa Mỹ cho biết sẽ thảo luận kỹ lưỡng với Bộ tư pháp và Bộ ngoại giao nước này để có thể thực thi sắc lệnh một cách chuyên nghiệp với thông báo đầy đủ và công khai tới những hành khách bị ảnh hưởng đồng thời hợp tác với các đối tác trong ngành du lịch.
Chưa phải là phán quyết cuối cùng
Có thể thấy đến thời điểm này, quyết định của Tòa án tối cao là một chiến thắng cho Tổng thống Trump nhưng không phải là thắng lợi hoàn toàn bởi lẽ các thẩm phán đã giới hạn đáng kể các trường hợp bị cấm nhập cảnh vào Mỹ. Từ nay cho tới tháng 10, chính quyền Washington sẽ có thêm thời gian chuẩn bị lập luận để trình bày lên tòa án tối cao Mỹ trong nhiệm kỳ tới của Tòa khi mà các thẩm phán sẽ xem xét kỹ về quyền của Tổng thống Mỹ liên quan vấn đề nhập cư. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng với chính quyền Tổng thống Donald Trump vì thực tế dư luận từng chứng kiến phản ứng dữ dội ngay khi sắc lệnh cấm nhập cảnh được Tổng thống Donald Trump ký. Các tòa án liên bang đã 2 lần ngăn chặn sắc lệnh có hiệu lực vào tháng 2 và tháng 3 vừa qua với lý do sắc lệnh này mang tính phân biệt với người Hồi giáo, điều mà Tổng thống Trump cũng ít khi trả lời rõ ràng.
Người biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump. Ảnh: Reuters. |
Phán quyết của Tòa án tối cao Mỹ được cho là thắng lợi bước đầu với chính sách thắt chặt người nhập cư của quyền Tổng thống Donald Trump. Lệnh cấm sẽ được xem xét lại vào tháng 10 tới và chưa thể chắc chắn sau đó sẽ còn tiếp tục hay không. Song những gì đang diễn ra cho thấy cuộc chiến pháp lý xung quanh vấn đề này còn quyết liệt khi nó được cho là bảo vệ an ninh nước Mỹ nhưng cũng là thách thức đối với Hiến pháp Mỹ. Điều này cho thấy đấu tranh nội bộ trong lòng nước Mỹ vẫn gay gắt khi những vấn đề về an ninh nội địa, tôn giáo, quyền lợi của những người nhập cư sẽ được đem ra cân nhắc trước khi quyết định.