(VOV5) - Nguy cơ Afghanistan rơi vào tình trạng hỗn loạn mới sau khi quân Mỹ và NATO rút đi hoàn toàn có thể xảy ra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/4 chính thức công bố kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11/9/2021. Sau Mỹ, NATO và các đồng minh của Mỹ cũng tuyên bố có kế hoạch sớm chấm dứt sứ mệnh hỗ trợ an ninh quốc tế tại quốc gia Nam Á này. Quyết định này liệu có đem lại hòa bình thực sự cho Afghanistan hay không là điều dư luận còn hoài nghi.
Kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đưa ra sẽ khép lại cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ (11/9/2001-11/9/2021), khiến khoảng 2.400 binh sĩ tử trận và ước tính thiệt hại lên tới khoảng 2.000 tỷ USD.
Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng xác nhận NATO sẽ rút toàn bộ gần 7.000 binh sỹ đang triển khai tại Afghanistan, bắt đầu từ 1/5 tới và tiến trình rút quân hoàn toàn sẽ kết thúc trong vòng vài tháng. Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng 30 nước thành viên NATO cũng thống nhất rút hết quân khỏi Afghanistan theo lộ trình mà Mỹ đã thông báo.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty Images |
Bước ngoặt đối với cuộc chiến tại Afghanistan
Quyết định rút quân khỏi Afghanistan không phải là quá bất ngờ khi nhiều đời Tổng thống Mỹ từng tuyên bố sẽ sớm chấm dứt cuộc chiến dai dẳng đã kéo dài suốt 20 năm qua. Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết nước này tôn trọng quyết định của Mỹ và sẽ làm việc với các đối tác để bảo đảm một cuộc chuyển giao suôn sẻ, đồng thời cam kết các lực lượng quốc phòng và an ninh của Afghanistan có đủ khả năng để bảo vệ người dân và đất nước.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định, việc NATO rút quân không phải là chấm dứt mối quan hệ với Afghanistan, mà là sự khởi đầu cho một chương mới trong mối quan hệ. NATO và các đối tác sẽ tiếp tục sát cánh cùng người dân Afghanistan để xây dựng một tương lai bền vững cho mình. Anh cho biết tiếp tục hỗ trợ chống khủng bố để bảo vệ những thành quả đạt được trong 20 năm qua.
Nhiều quốc gia lên tiếng hoan nghênh quyết định này, cho đây là bước ngoặt này đối với cuộc chiến tại Afghanistan. Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải những phản ứng trái chiều, ngay tại nước Mỹ. Nhiều ý kiến cho rằng nước Mỹ sẽ ‘thua thiệt’ trong việc giám sát và ngăn chặn các mối đe dọa đối với nước Mỹ.
Trong khi đó, nhiều ý kiến lo ngại về tương lai của Afghanistan vì đến nay, chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani được cho là chưa đủ năng lực quản lý đất nước. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán hoà bình giữa chính phủ với lực lượng Taliban và các nhóm vũ trang khác chưa có kết quả tích cực. Do đó, một thỏa thuận hòa bình trong tương lai gần khó đạt được và cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang cực đoan tại nước này còn tiếp tục kéo dài.
Binh sĩ Mỹ tại Uruzgan, Afghanistan. Ảnh: Reuters |
Các cuộc đàm phán hoà bình chưa có kết quả tích cực.
Tiến trình hòa bình Afghanistan vốn đã rơi vào bế tắc khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban tại thủ đô Doha của Qatar bị đình trệ. Mỹ chủ trương thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban trước thời điểm 2.500 binh sĩ cuối cùng của quân đội nước này phải rời khỏi Afghanistan. Washington muốn Chính phủ Afghanistan và Taliban đạt được một số thỏa thuận về chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, thời điểm hạn chót là ngày 1/5 tới đang đến gần, nhưng dường như Taliban không có dấu hiệu chấm dứt bạo lực tại Afghanistan. Trong động thái mới nhất ngày 13/4, Taliban tuyên bố sẽ không tham gia hội nghị hòa bình quốc tế về tương lai Afghanistan, dự kiến diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng này, cho tới khi tất cả các lực lượng nước ngoài rời đi.
Theo một Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc, hiện còn khoảng 500 tay súng khủng bố al-Qaeda đang hoạt động tại Afghanistan và lực lượng Taliban vẫn duy trì quan hệ mật thiết với tổ chức này. Giới quan sát quốc tế cũng lo ngại, nếu mâu thuẫn giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban không được giải quyết thì sẽ là cơ hội thuận lợi cho các tổ chức cực đoan như Al Qaeda hoặc Tổ chức hồi giáo cực đoan IS xâm nhập và nối lại hoạt động. Nguy cơ Afghanistan rơi vào tình trạng hỗn loạn mới sau khi quân Mỹ và NATO rút đi hoàn toàn có thể xảy ra. Hy vọng về một tương lai hòa bình cho Afghanisan còn rất mong manh.