(VOV5)- Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Phi đang diễn ra tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ). Đây là cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có giữa lãnh đạo Hoa Kỳ và gần 50 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia châu Phi. Hội nghị là cơ hội để thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế giữa Mỹ và châu Phi cũng như tăng cường sự hiện diện để tìm kiếm lợi ích của Hoa Kỳ tại lục địa đen, nơi mà nhiều nước lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) đã và đang gia tăng mở rộng quan hệ.
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Phi diễn ra từ 4 – 6/8 dự kiến thảo luận các vấn đề nổi cộm tại châu Phi hiện nay như dịch bệnh Ebola tại Tây Phi; các vụ bắt cóc, giết người của tổ chức Hồi giáo cực đoan tại Nigeria; nội chiến tại Nam Sudan, Somalia, Kenya; thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Mỹ và các quốc gia châu Phi.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước Hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định rằng châu Phi, một châu lục có những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và có tầng lớp trung lưu ngày càng đông, đang ngày càng trở nên quan trọng đối với Mỹ. Mở rộng quan hệ với châu Phi là nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ.
Đẩy mạnh hợp tác kinh tế là mục tiêu chính
Mặc dù nhà chức trách tuyên bố hội nghị sẽ thảo luận nhiều vấn đề nóng hiện nay tại châu Phi nhưng mục đích chính mà các bên hướng tới chính là thúc đẩy hợp tác kinh tế. Ngay trong phát biểu khai mạc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có này phản ánh quyết tâm của Mỹ và châu Phi cùng nỗ lực tăng cường các quan hệ đối tác, tìm kiếm các cơ hội cho hòa bình, an ninh và phát triển kinh tế. Ông Kerry cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi phát triển các nền kinh tế thị trường tự do, tạo ra các sân chơi bình đẳng cho các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty của Mỹ. Lời kêu gọi thẳng thắn của ông John Kerry dựa trên thực tế rằng Mỹ đã để tuột mất vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Châu Phi vào tay Trung Quốc từ 5 năm trước. Hiện nay, Hoa Kỳ chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của châu Phi, sau EU và Trung Quốc. Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều Mỹ - châu Phi năm 2013 cho thấy rõ điều đó. Nếu như Mỹ chỉ đạt 60 tỷ USD trong trao đổi thương mại với châu Phi thì con số này của EU và Trung Quốc lần lượt là 200 tỷ USD và 170 tỷ USD.
Hơn nữa, Mỹ muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế với châu Phi còn là vì tốc độ phát triển của châu lục này hiện nay nhanh hơn châu Á. Theo đánh giá của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF), 6 trong số 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới nằm ở châu Phi.
Để cụ thế hóa mong muốn hợp tác với lục địa đen, dự kiến tại Hội nghị lần này, phía Mỹ sẽ thông báo khoản tài trợ nhiều tỷ USD cho các chương trình lương thực, thực phẩm, chương trình Điện lực châu Phi. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng sẽ công bố một loạt sáng kiến mới, trong đó mở rộng cơ sở hạ tầng giao dịch biên giới, tăng gấp đôi các chương trình học bổng mà Tổng thống Barak Obama dành cho các nhà lãnh đạo trẻ châu Phi.
Không chỉ vậy, 1 tuần trước khi Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và châu Phi diễn ra, chính quyền của Tổng thống Barak Obama đã hối thúc Quốc hội gia hạn Luật cơ hội tăng trưởng châu Phi (AGOA) trước thời điểm hết hạn vào tháng 9/2015 nhằm tạo điều kiện cho chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại với châu Phi.
Thách thức không nhỏ
Nhiều nhà phân tích lo ngại với thời gian chuẩn bị ngắn so (chỉ 1 năm) so với 6 năm của Trung Quốc, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ và châu Phi khó có thể đạt được kết quả tích cực như mong muốn hay nói cách khác là do giới chức Mỹ chưa hoàn toàn thống nhất các giải pháp tăng cường hợp tác với châu Phi. Ý tưởng về việc tổ chức Hội nghị là do Nhà trắng đề xuất nhưng đã xảy ra các cuộc tranh luận gay gắt giữa các cơ quan trong Chính phủ Mỹ. Dự kiến sẽ không có văn kiện cuối cùng hay một kế hoạch hành động nào được ban hành sau Hội nghị. Một số quan chức Mỹ cho biết họ muốn xem hội nghị lần này diễn ra thế nào thay vì khẳng định sẽ có nhiều hội nghị thượng đỉnh giữa 2 bên trong tương lai. Hơn nữa, mặc dù đây là đã nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của ông Barak Obama nhưng châu lục này cho đến nay vẫn chưa chiếm vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của người đứng đầu Nhà Trắng. Điều này khiến cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama, bà Susan Rice, phải thừa nhận rằng người Mỹ cần thay đổi tư duy lạc hậu về châu Phi. Thay vì chỉ nhìn thấy xung đột, bệnh tật và đói nghèo, cần phải nhìn thấy một châu Phi rất đa dạng, đang tràn trề sự đổi mới.
Không thể phủ nhận quan hệ Mỹ - châu Phi còn có những rào cản nhưng rõ ràng Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và châu Phi lần thứ nhất là cơ hội để hai bên tăng cường hợp tác, hiểu rõ đối tác, là bước đệm để tiến tới quan hệ sâu sắc hơn trong tương lai./.