(VOV5) - Hội nghị thượng đỉnh châu Âu họp tại Brussels (Bỉ) đã nhất trí chuyển sang giai đoạn 2 đàm phán Brexit, bàn về quan hệ thương mại trong tương lai giữa nước Anh và Liên minh châu Âu. Bước đột phá này đã khép lại giai đoạn 1 đàm phán gian nan về việc nước Anh rời khỏi mái nhà chung châu Âu trong năm 2017.
Nếu như việc người dân Anh bỏ phiếu chọn rời khỏi mái nhà chung EU là sự kiện gây chấn động năm 2016 thì cuộc đàm phán giữa hai bên trong năm 2017 tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, công sức và những tính toán của cả Anh và 27 nước thành viên EU.
Vòng đàm phán Brexit thứ 3 kết thúc trong căng thẳng và bế tắc - Ảnh minh họa: euractiv
|
Gian nan giai đoạn 1
Khởi động đàm phán từ ngày 19/6 tại thủ đô Brussels (Bỉ), 6 tháng qua, Anh và EU đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại với vô số bất đồng, nhiều khi tưởng chừng bế tắc bởi cuộc chia tay này động chạm tới những lợi ích cốt lõi, nhiều vấn đề của cả Anh và EU, trong đó, 3 vấn đề then chốt là quyền công dân, vấn đề Ireland và Bắc Ireland, cũng như nghĩa vụ tài chính của Anh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hồi tháng 10 từng cho rằng các cuộc đàm phán Brexit cần phải đạt được kỳ tích mới có thể chuyển sang giai đoạn thứ 2. Trong khi Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh Châu Âu Michel Barnier cũng khẳng định một số bất đồng nghiêm trọng vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt liên quan tới vấn đề tài chính. Thậm chí Nghị viện Châu Âu ngày 3/10 còn thông qua bản kiến nghị kêu gọi lãnh đạo EU hoãn tiến hành giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán về Brexit. Theo cơ quan này, các cuộc đàm phán Brexit chưa đủ tiến triển để bắt đầu thảo luận tương lai mối quan hệ Anh-Liên minh Châu Âu.
Về phía Anh, Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis phải thừa nhận đây là cuộc đàm phán phức tạp nhất từ trước đến nay đối với xứ sở sương mù, khi mà chỉ một sơ xuất thôi cũng khiến Anh thiệt hại tài chính lên đến hàng tỉ bảng. Thậm chí đã có lúc ông David Davis tuyên bố Anh sẵn sàng ra đi mà không cần một thỏa thuận về Brexit và Liên minh Châu Âu sẽ không thể có được thứ họ muốn nếu vẫn tiếp tục duy trì yêu cầu quá vô lý đối với quốc gia này.
Tuy nhiên vượt qua những trở ngại tưởng như không thể thỏa hiệp, cuối cùng, cả Anh và EU đã đi đến thống nhất về thỏa thuận ly hôn vào ngày 8/12 vừa qua. Để rồi 1 tuần sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của EU trong năm 2017, lãnh đạo các nước thành viên EU nhất trí chuyển sang giai đoạn 2 đàm phán Brexit, bàn về quan hệ thương mại trong tương lai giữa nước Anh và Liên minh châu Âu.
Lợi thế nghiêng về EU
Trong suốt quá trình đàm phán về Brexit có thể nhận thấy lợi thế nghiêng về Liên minh châu Âu khi Chính phủ Anh khá lúng túng, không đưa ra được một lộ trình cụ thể hay một chiến lược đàm phán rõ ràng, xuyên suốt ngay từ đầu. Chỉ 1 năm sau cuộc trưng cầu dân ý, cuộc đàm phán về Brexit với EU mới diễn ra. Hay nói cách khác nước Anh bước vào các cuộc đàm phán với tâm thế không tốt. Phía Anh do quá nôn nóng muốn bàn về quan hệ thương mại tương lai đã chấp thuận hầu hết các điều kiện mà EU đặt ra.
Trái ngược với Anh, một trong những thành công lớn của Liên minh châu Âu khi xử lý hồ sơ Brexit, đó chính là sự đoàn kết của 27 nước thành viên. Họ hiểu rằng nếu không xử lý tốt hồ sơ Brexit thì nguy cơ lây lan của chủ nghĩa ly khai sẽ đe doạ sự tồn tại của cả khối. Ngoài ra 27 nước hoàn toàn không muốn phải bù đắp phần thiếu hụt tài chính của khối do việc nước Anh rời đi nên phải đoàn kết để buộc Anh trả nhiều tiền nhất có thể. Sự thống nhất của 27 nước trong chuyện này giúp các nhà đàm phán Liên minh châu Âu có thể duy trì sự cứng rắn với phía Anh trong một thời gian tương đối dài.
Có lẽ vì vậy nên thoả thuận Brexit vừa đạt được hôm 8/12 có lợi hơn cho Liên minh châu Âu bởi London đã có sự nhượng bộ nhất định khi công nhận thẩm quyền của Tòa tư pháp Châu Âu trong một số trường hợp pháp lý có liên quan đến quyền lợi của hơn 3 triệu công dân Châu Âu đang sinh sống và làm việc tại Anh. Xứ Sương mù cũng bảo đảm sẽ không có biên giới cứng ở Bắc Ireland, vốn là trở ngại lớn nhất trong những phiên đàm phán thỏa thuận Brexit gần đây. Cuối cùng, về nghĩa vụ tài chính, vấn đề gây phản ứng mạnh mẽ của giới chức Anh từ trước đến nay, cũng được tháo gỡ khi Anh chấp thuận chi trả khoảng 45 tỷ euro - 50 tỷ euro (tương đương 47-52 tỷ USD) cho EU.
Giai đoạn 1 đàm phán về Brexit đã kết thúc khi 3 vấn đề then chốt là quyền công dân, vấn đề Ireland và Bắc Ireland, cũng như nghĩa vụ tài chính của Anh được giải quyết. Năm 2018, EU và Anh sẽ tiếp tục hành trình đàm phán để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương. Đây là chặng đường còn gian nan hơn giai đoạn 1 bởi cái đích mà EU và Anh hướng tới là một thoả thuận thương mại lâu dài, ảnh hưởng đến các lợi ích quốc gia mang tính chiến lược của cả hai bên nên bất cứ điều khoản nào cũng sẽ là một cuộc đàm phán cam go.