(VOV5) - Trong một thế giới nhiều thay đổi, Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách độc lập, tự chủ, ngoại giao hòa hiếu, tiếp tục duy trì quan hệ rộng mở với tất cả các nước.
Trong bối cảnh quan hệ quốc tế năm 2018 bị tác động mạnh bởi điều chỉnh chính sách các nước lớn, kéo theo những diễn biến nhiều chiều ở các khu vực, tác động không nhỏ tới tình hình mỗi nước, trong đó có Việt Nam, công tác đối ngoại năm 2018 tiếp tục đạt nhiều thành tựu. Quan hệ giữa Việt Nam với các nước và các đối tác đều được mở rộng và sâu sắc hơn. Đặc biệt, đối ngoại 2018 đã khắc họa vai trò nổi bật của Việt Nam đối với sự kiện mang tầm vóc "toàn cầu".
Năm 2018, tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các vấn đề quốc tế, đối ngoại đã tạo môi trường thuận lợi để kinh tế đất nước phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull -Ảnh: VGP
|
Dấu ấn ngoại giao song phương
Năm 2018 ghi nhận các chuyến thăm song phương “nhộn nhịp”, suốt từ đầu năm đến cuối năm. Nhờ các chuyến thăm này, Việt Nam đã xây dựng được trọng tâm cơ chế, cũng như khuôn khổ hợp tác thuận lợi trên từng lĩnh vực để phát triển kinh tế đất nước. Đáng chú ý, trong năm, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Australia từ Đối tác toàn diện tăng cường lên Đối tác chiến lược, đưa tổng số quan hệ Đối tác chiến lược lên 16. Ngoài ra, mối quan hệ Đối tác toàn diện với 11 quốc gia và quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt với Lào và Campuchia không ngừng được củng cố. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC sau 2020, khẳng định: "Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển then chốt. Chúng ta có sự đan xen lợi ích rộng lớn chưa từng có với các đối tác, 27 đối tác chiến lược và toàn diện cùng 59 đối tác FTA. Chúng ta chủ trương hội nhập rất sâu và hiện nay chúng ta không chỉ ở tầm mức hội nhập mà ở tầm mức liên kết với một vị thế mới, bắt kịp với xu thế mới".
Không chỉ các chuyến thăm cấp cao, hàng trăm các cuộc tiếp xúc, trao đổi ở các cấp, các bộ, ngành, các cơ chế hợp tác, các hoạt động kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đã giúp quan hệ Việt Nam với các nước ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu, thúc đẩy nhận thức chung về một trật tự thế giới đa cực.
Nhiều mối liên kết mới được định hình
Mặc dù, xu hướng bảo hộ nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới, kim ngạch thương mại và thu hút vốn đầu tư, du lịch từ các đối tác chủ chốt của Việt Nam vẫn trên đà tăng. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục 15 triệu lượt người. Đến nay, đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Năm 2018 còn ghi dấu với việc Việt Nam hoàn tất ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA), nâng tổng số Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia lên 16. Với các Hiệp định tự do thương mại này, Việt Nam thể hiện sự chủ động tham gia và góp phần hình thành hệ thống thương mại quốc tế. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được tín nhiệm bầu vào thành viên Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019-2025 với số phiếu rất cao.
Lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam cùng lãnh đạo WEF và các nước ASEAN tham dự Hội nghị - Ảnh: WEF
|
Tăng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
Năm 2018 cũng đánh dấu những kết quả đáng ghi nhận trong ngoại giao đa phương của Việt Nam. Ngoài việc lần đầu tiên trúng cử vào Ủy ban luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc, Bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Việt Nam còn góp mặt trong nhiều diễn đàn đa phương (như Hội nghị G7 mở rộng, Hội nghị cấp cao ASEAN, chủ trì soạn thảo Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người tại khóa họp Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong Nhật Bản, Diễn đàn hợp tác Á-Âu, Diễn đàn cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu, Kỳ họp đại hội đồng Liên hợp quốc).
Đặc biệt, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF-ASEAN) với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội để lại dấu ấn sâu đậm về một Việt Nam hội nhập. Chủ tịch WEF ông Borge Brende cho rằng: "Trong 27 năm tổ chức diễn đàn WEF khu vực ASEAN và Đông Á, đây là diễn đàn thành công nhất. Việt Nam đã đi qua một chặng đường phát triển ấn tượng từ Hội nghị Đông Á tại Việt Nam năm 2010 và Hội nghị lần này thu hút sự tham dự đông đảo của lãnh đạo các nước Đông Nam Á và khu vực, doanh nghiệp hàng đầu. Chúng tôi rất hài lòng khi làm việc với các đối tác Việt Nam và đánh giá cao vai trò của Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị lần này".
Có thể nói, sự thành công của WEF ASEAN 2018 một lần nữa khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN và trên thế giới ngày càng được nâng cao, thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình kinh tế khu vực và toàn cầu.
Năm 2019, thế giới và khu vực tiếp tục còn nhiều diễn biến mới. Trong một thế giới nhiều thay đổi, Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách độc lập, tự chủ, ngoại giao hòa hiếu, tiếp tục duy trì quan hệ rộng mở với tất cả các nước và đóng góp vào các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.