(VOV5) - Việt Nam hướng tới mục tiêu “Gắn kết và Chủ động thích ứng” nhằm duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên.
Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ ngày 1/1/2020. Với mục tiêu “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đã sẵn sàng để khẳng định vai trò và trách nhiệm của mình trong lần thứ hai đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN, duy trì sự đoàn kết, vai trò trung tâm của ASEAN trong đời sống chính trị toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. |
Năm 2020 đánh dấu năm năm hình thành Cộng đồng ASEAN. Trên nền móng vững chắc của hơn năm thập kỷ phát triển, các quốc gia thành viên, tuy đa dạng về kinh tế, lịch sử, văn hóa, đang tiếp tục gắn kết chặt chẽ với nhau bởi những giá trị, tình cảm cộng đồng và trách nhiệm, lợi ích dưới một mái nhà chung. Trước diễn biến nhanh, phức tạp của môi trường khu vực và quốc tế, khả năng gắn kết vững bền, hơn lúc nào hết, càng có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN.
Trong bối cảnh đó, đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam hướng tới mục tiêu “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, nhằm duy trì mẫu số lợi ích chung cả về chiến lược và kinh tế giữa các nước thành viên cũng như việc gìn giữ và lan tỏa ý thức và bản sắc Cộng đồng trong các tầng lớp nhân dân ASEAN.
Tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của ASEAN hơn 50 năm qua, có thể thấy sự gắn kết đã tạo nên sức sống và vị thế của ASEAN. Các nước thành viên ASEAN, tuy gần gũi về địa lý, nhưng đa dạng về chế độ chính trị, văn hóa, ngôn ngữ và trình độ phát triển, đã dần dần thu hẹp khoảng cách, hài hòa khác biệt, hình thành nên một Cộng đồng ASEAN chung vận mệnh và lợi ích. Cũng nhờ sự gắn kết bền vững đó mà Cộng đồng ASEAN có thể nâng cao năng lực thích ứng chủ động và hiệu quả với các cơ hội và thách thức đặt ra, trở thành một nhân tố ngày càng quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu.
Bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, ngày càng gay gắt. Những vấn đề toàn cầu có thể gây ra những tác động trái chiều trong ASEAN. Hơn nữa, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ASEAN trước những thử thách mới. Vì vậy, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề của Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Một Cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ. Về điều này, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ: “Mấu chốt của cộng đồng là phải gắn kết lại với nhau, phải tìm ra chất keo dính gắn kết với nhau. Đấy là những gì, là sự đoàn kết, sự thống nhất, gắn kết với nhau cả về kinh tế, văn hóa và nhận thức của cộng đồng, của doanh nghiệp, về những lợi ích chung của cộng đồng. Chúng ta phải có tư duy về cộng đồng, đó là cùng hành động cộng đồng chứ không nên chỉ xuất phát từ lợi ích quốc gia. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều thuận lợi cũng như thách thức lớn thì chúng ta phải chuẩn bị, không chỉ chuẩn bị cho riêng Việt Nam mà chuẩn bị chung cho cả khối để có thể vững vàng thích ứng”.
Nhiệm vụ cũ, thử thách mới
Năm 2020 cũng đánh dấu tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Và đây cũng là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. Sau 10 năm, vị thế đất nước, vai trò, vị thế của ASEAN, bối cảnh khu vực và quốc tế nhiều thay đổi. Làm sao cố gắng giữ được đà phát triển của ASEAN, kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, nâng cao hơn nữa đà phát triển đó bằng những sáng kiến của chính bản thân mình là mục tiêu mà Chủ tịch ASEAN năm 2020 hướng tới.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết: “Chúng ta phải làm sao tạo những dấu ấn mới để từ đó ASEAN sẽ triển khai tiếp những năm tiếp theo, đặc biệt là hoàn thành kế hoạch tổng thể về xây dựng cộng đồng 2025. Từ nhận thức đấy chúng ta sẽ có sự gắn bó, xây dựng các quan điểm lập trường chung của ASEAN trước các vấn đề của khu vực và thế giới. Ví dụ như năm ngoái, ASEAN đã từng đạt được nhận thức chung trước sáng kiến của các nước lớn về vành đai con đường, về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đấy là nỗ lực rất tốt và Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy trong năm nhiệm kỳ của mình”.
Bên cạnh đó, một ưu tiên của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN là thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam sẽ cùng với các nước tập trung đào tạo nguồn nhân lực thích ứng được với cuộc cách mạng này, tập trung cho khởi nghiệp của ASEAN, thúc đẩy mạng lưới thành phố thông minh ASEAN…
25 năm tham gia ASEAN, dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước, nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN. ASEAN có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam, là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn, đoàn kết hơn, thích ứng hơn trước những tác động của thời cuộc. Một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, phồn vinh và vì người dân sẽ là mục tiêu mà Việt Nam nỗ lực hướng tới trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 và những năm tiếp theo.