(VOV5) - Trong tiến trình lịch sử 50 năm qua, bất chấp các biến động lớn của thời đại, hai quốc gia luôn kiên định với lựa chọn là tăng cường hợp tác và đối thoại.
Năm 2023 ghi dấu ấn đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/4/1973-12/4/2023) và 10 năm ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược (9/2013-9/2023). Nhiều hoạt động được tổ chức trong năm nay và trong dịp Quốc khánh Pháp (14/7) hôm nay cho thấy còn nhiều triển vọng tích cực trong mối quan hệ đặc biệt này.
Việt Nam và Pháp có mối quan hệ đặc biệt với bề dày truyền thống và những gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa. Năm 2023 là dấu mốc quan trọng của mối quan hệ, khi 2 nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp và 10 năm ngày hai nước nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược.
Nhiều hoạt động thiết thực kết nối quan hệ Việt - Pháp
Triển lãm nghệ thuật “Sắc màu Việt Nam” khai mạc ngày 28/06 tại trụ sở Tòa thị chính của Quận 5, thủ đô Paris. 50 tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam lần đầu tiên được trưng bày tại đây mang tới cho công chúng Pháp và bạn bè quốc tế cái nhìn tổng quan về quá trình phát triển của nền mỹ thuật cổ điển cũng như đương đại Việt Nam trong suốt gần một thế kỷ qua.
Bà Florence Berthout, Thị trưởng Quận 5 (Paris) phát biểu khai mạc tại triển lãm "Sắc màu Việt Nam. Ảnh: Khải Hoàn |
Theo bà Florence Berthout, Thị trưởng Quận 5, đây là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp: “Triển lãm nghệ thuật lần này là một minh chứng cho sự hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, không chỉ về khía cạnh chính trị mà còn cả kinh tế cũng như văn hoá. Sự kiện lần này còn mang ý nghĩa to lớn khi được tổ chức tại quận trung tâm của thủ đô Paris. Nơi đây không chỉ mang ý nghĩa về mặt vị trí địa lý, mà còn là niềm tự hào của người dân thành phố, nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo trí thức hàn lâm”.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Pháp, ngày 27/6, Đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, làm trưởng Đoàn, thăm và làm việc với Hội đồng Doanh nghiệp Pháp (MEDEF) tại thủ đô Paris. Thay mặt Hội đồng Doanh nghiệp Pháp, ông Francois Corbin, Chủ tịch MEDEF, Đại diện đặc biệt của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp trong quan hệ kinh tế với các nước ASEAN, khẳng định Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng và chiến lược tại khu vực châu Á. Những đặc điểm nội tại khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình Pháp chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.
Theo ông Francois Corbin: “Các doanh nghiệp Pháp, nhất là nhóm đặc biệt gồm khoảng 420 công ty mà nghiệp đoàn quản lý, sẵn sàng tăng cường mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn để phát triển các giải pháp trong các vấn đề như giao thông, xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, nước hay xử lý rác thải… để quan hệ giữa các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam sẽ mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người dân thành phố Hồ Chí Minh”.
Cũng trong tháng 6 tại thủ đô Paris, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tổ chức kỷ niệm 20 năm đường bay thẳng Pháp-Việt. Đại diện cho Bộ Ngoại giao Pháp tham dự lễ kỷ niệm, bà Mathilde Teruya, Phó Vụ trưởng phụ trách Đông Nam Á, cho rằng các đóng góp của đường bay thẳng Việt - Pháp của Vietnam Airlines càng có ý nghĩa hơn trong việc duy trì và thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao chính trị ngày càng sâu sắc giữa Việt Nam và Pháp.
“Các kết nối con người giữa nước Pháp và Việt Nam là yếu tố then chốt, cốt lõi trong quan hệ của hai nước và do đó chất lượng của sự kết nối hàng không có vai trò to lớn, không thể thay thế. Giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy, mọi việc đã phức tạp đến mức nào khi không thể có kết nối hàng không giữa hai nước bởi đi cùng với nó là các quan hệ kinh tế, văn hoá, con người. Vì thế, tôi trân trọng các đóng góp to lớn của Vietnam Airlines cho mối quan hệ giữa hai đất nước chúng ta” - bà Mathilde Teruya nói.
Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập đường bay thằng Việt Nam - Pháp tối 21/6 tại thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: TTXVN |
Quan hệ Việt - Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu
50 năm trước, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), Cộng hòa Pháp trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Năm 1993, cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterand cũng là nguyên thủ phương Tây đầu tiên đến thăm Việt Nam. Những sự kiện lịch sử đó đã là nền tảng nâng đỡ, đưa quan hệ Việt Nam- Pháp liên tục tiến lên những nấc thang mới, để đến nay Việt Nam-Pháp đã là những đối tác chiến lược, có quan hệ chính trị mạnh mẽ, quan hệ kinh tế năng động, quan hệ hợp tác phong phú và đa dạng trên tất cả mọi lĩnh vực, từ khoa học-kỹ thuật, văn hoá-giáo dục cho đến trao đổi con người.
Hiện, Pháp là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong Liên minh châu Âu với kim ngạch thương mại song phương năm 2022 là 3.607 triệu USD. Pháp cũng là nhà đầu tư Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn thứ ba tại Việt Nam trong các lĩnh vực: biến đổi khí hậu, năng lượng chuyển đổi và tăng trưởng xanh. Pháp đứng thứ 16 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 673 dự án trị giá 318 tỷ USD. Đã có trên 38 địa phương các cấp của Pháp và 18 tỉnh, thành của Việt Nam tham gia hợp tác, với 240 dự án, tập trung trong lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo tồn di sản, cộng đồng Pháp ngữ, phát triển nông thôn, phát triển bền vững.
Phát biểu trong lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt- Pháp tại Paris ngày 20/4 năm nay, ông Benoit Guidée, Vụ trưởng Vụ Á-Úc, Bộ Ngoại giao Pháp, đánh giá: “Điều làm nên sức mạnh đặc biệt cho quan hệ Việt-Pháp, vượt trên cả các đối thoại chính trị chất lượng, đó là mức độ đậm đặc trong mối quan hệ về mặt con người. Hơn tất cả các nước khác ở châu Á, mối quan hệ của Pháp với Việt Nam về mặt hiệp hội, về văn hoá, về thanh niên, về sinh viên hay các nhà nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực đều đặc biệt lớn mạnh. Ngay cả ở cấp độ các hội hữu nghị hay các chính quyền địa phương, luôn luôn có những nền tảng rất lớn mạnh cho quan hệ giữa nhân dân hai nước chúng ta”.
Vượt lên mọi yếu tố, điều làm nên sức mạnh cho quan hệ Việt-Pháp là về mặt con người, khi không có quốc gia châu Á nào mà nước Pháp có các mối liên hệ về con người và văn hoá sâu đậm như Việt Nam. Trong tiến trình lịch sử 50 năm qua, bất chấp các biến động lớn của thời đại, hai quốc gia luôn kiên định với lựa chọn là tăng cường hợp tác và đối thoại. Đó cũng là bệ phóng để hai nước hướng đến tương lai, với các dự án hợp tác tham vọng hơn, xứng đáng với tiềm lực và ý chí của hai quốc gia.