(VOV5)- Nhờ đường lối, chính sách hội nhập đúng đắn trong 30 năm qua, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao đáng kể.
Công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam diễn ra đồng thời với quá trình đổi đất nước kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam, năm 1986. Trong ba thập niên qua, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trải qua nhiều thang bậc. Ban đầu, Đảng cộng sản Việt Nam sử dụng khái niệm “ mở rộng hợp tác”, rồi chuyển thành “ hội nhập kinh tế quốc tế”, tiến tới “ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”, “ chủ động và tích cực hội nhập kinh tế’ và nay là “ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào các định chế, cơ chế quốc tế và các mối quan hệ ngoại giao đa phương, song phương.
Tham gia sâu rộng vào các cơ chế, định chế quốc tế
Nhờ đường lối, chính sách hội nhập đúng đắn trong 30 năm qua, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao đáng kể. Từ chỗ bị bao vây, cô lập, Việt Nam ngày nay đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, xây dựng được mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, góp phần định vị Việt Nam vững chắc hơn trong cục diện chiến lược ở khu vực và trên thế giới. Về điều này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nhân Hội nghị ngoại giao lần thứ 29, nhấn mạnh: "Chúng ta đã xây dựng khuôn khổ quan hệ với rất nhiều nước. Trong 15 năm qua, chúng ta đã tiến hành xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước. Chỉ trong vòng 5 năm thì chúng ta tăng 8 đối tác chiến lược trong tổng số. Các đối tác chiến lược thì chúng ta cũng có 10 đối tác toàn diện. Tức là đã có các cơ sở quan hệ với các nước rồi"
Sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN tháng 7/1995 được coi là bước đột phá về hành động trong tiến trình hội nhập của Việt Nam. Đến năm 1996, Việt Nam tiếp tục tham gia sáng lập và là thành viên tích cực của Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM). Tiếp đó, Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương APEC năm 1998. Việc Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại lớn nhất toàn cầu WTO tháng 1/2007 đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào các định chế quốc tế. Năm 2015, Việt Nam cùng các nước ASEAN hội nhập toàn diện vào cộng đồng ASEAN. Nguyên điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, bà Pratibha Mehta, tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 29, đánh giá: "Quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam là rất ấn tượng. Việt Nam gia vào hầu hết các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu như ASEAN, APEC, ASEM, tham gia đàm phán và ký kết hàng loạt thỏa thuận thương mại quan trọng của khu vực và thế giới. Việt Nam cũng hoạt động tích cực và hội nhập sâu rộng vào các hoạt động của Liên Hợp Quốc. Tất cả những điều này thể hiện vai trò, trách nhiệm ngày càng chủ động của Việt Nam đóng góp vào các công việc toàn cầu."
Chủ động trong quá trình hội nhập
Phù hợp với xu hướng thiết lập các khu vực thương mại tự do trên thế giới, tính đến nay, Việt Nam đã tham gia thiết lập 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 56 quốc gia và nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có 6 FTA do Việt Nam chủ động tham gia ngoài khuôn khổ nội khối ASEAN hoặc với các nước đối tác của ASEAN. Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, bà Charlotte Laursen, đánh giá cao sự chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam: "Một trong những điểm sáng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam chính là việc Việt Nam và EU hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do FTA. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia vào Tuyên bố chung tại Hội nghị COP 21 về biến đổi khí hậu. Ngoài ra còn một sự kiện quan trọng được tổ chức tại Việt Nam là đại hội đồng liên minh Nghị viện quốc tế IPU. Theo tôi được biết, đây là một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất từng được tổ chức tại Việt Nam. Từ một thành viên tích cực, Việt Nam đã nâng tầm vị thế với vai trò chủ chốt tại nhiều diễn đàn quốc tế."
Theo đuổi lợi ích quốc gia trong một thế giới toàn cầu, một thế giới tương tác ngày càng đang dạng, tranh thủ những cơ hội cho phát triển kinh tế trong nước, cho bảo vệ hòa bình, xây dựng các mối quan hệ hữu nghị và xử lý những rủi ro trong quan hệ quốc tế, Việt Nam dần từng bước tạo được vị thế của mình trong công cuộc hội nhập quốc tế. Bằng lời nói và cả hành động, Việt Nam đã và đang chứng minh với thế giới rằng Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.