(VOV5) - Việc Nga thúc đẩy quan hệ với châu Phi dựa trên nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp và tiềm năng hợp tác phong phú.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Nga và châu Phi sẽ diễn ra ngày 23 - 24/10, tại Sochi (Liên bang Nga). Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ, là hội nghị thượng đỉnh toàn thể đầu tiên có sự tham dự của các nhà lãnh đạo các nước châu Phi và lãnh đạo các tổ chức hàng đầu khu vực. Hội nghị được kỳ vọng sẽ trở thành xuất phát điểm xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng trên cơ sở cùng có lợi.
Sau Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản, đến lượt Nga tổ chức trọng thể Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi. Với động thái này, Moscow không còn che giấu tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại lục địa đen trên con đường khôi phục hào quang của nước Nga trên trường quốc tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi ở Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đón tiếp 35 nguyên thủ châu Phi. Đây là cơ hội để các bên thảo luận về các vấn đề chính trị và kinh tế, về những ưu thế của nước Nga qua các chương trình hợp tác có lợi cho cả đôi bên.
Châu Phi: đối tác lý tưởng
Việc Nga thúc đẩy quan hệ với châu Phi dựa trên nền tảng quan hệ truyền thống tốt đẹp và tiềm năng hợp tác phong phú. Nhìn vào lịch sử quan hệ song phương, Nga đóng vai trò quan trọng trong giải phóng châu lục, hỗ trợ các dân tộc Châu Phi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, phân biệt chủng tộc Apartheid. Nga đã giúp những người dân Châu Phi bảo vệ độc lập và chủ quyền, xây dựng đất nước, hình thành các cơ sở của nền kinh tế quốc gia, xây dựng lực lượng vũ trang có khả năng chiến đấu. Các chuyên gia Liên Xô, sau này là Nga tham gia xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng, các nhà máy thủy điện, đường xá, các xí nghiệp công nghiệp ở các nước Châu Phi. Hàng nghìn người Châu Phi đã tốt nghiệp các trường đại học của Nga.
Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền vào năm 2000 với đường lối và chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán hơn, mối quan hệ Nga và châu Phi đã được “hâm nóng”. Tổng thống Putin khởi động mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự với các đồng minh châu Phi trước đây. Nền tảng quan hệ Nga và châu Phi chuyển từ chính trị sang kinh tế, thương mại, an ninh, quân sự đồng nghĩa với việc Nga bắt đầu lấy lại được ảnh hưởng kinh tế và chính trị ở châu Phi. Theo chuyên gia Arnaud Dubien thuộc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược của Pháp (IRIS), Moscow luôn duy trì ảnh hưởng, dù đấy chỉ là một sự hiện diện khiêm tốn tại nhiều nước châu Phi, từ Algeria đến Libya, Ai Cập. Cuối năm 2017, hai bên thông báo dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân và rất nhiều hợp đồng mua bán vũ khí quan trọng. Về mặt chính thức, Moscow đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự với chính quyền Mali hồi tháng 6-2019, trước đó nữa là với Burkina Faso hay với Congo...
Sẵn sàng đón cơ hội mới
Nhiều năm qua, châu Phi là mục tiêu của cuộc chạy đua cạnh tranh địa chiến lược truyền thống giữa Mỹ, Trung Quốc hay Liên minh châu Âu. Tuy nhiên thời điểm hiện nay đã khác, Moscow muốn bắt đầu một cuộc chơi mới để tìm kiếm nhiều hơn các lợi ích địa chiến lược tại châu Phi.
Quyết tâm đẩy mạnh hợp tác với châu Phi được thể hiện rõ khi trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh và Diễn đàn Kinh tế Nga - Châu phi, Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng cạnh tranh để hợp tác với Châu phi. Việc phát triển và làm vững chắc các mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với các nước Châu phi và các tổ chức hội nhập ở đây nằm trong số những ưu tiên về đối ngoại của Nga. Và Nga kiên quyết từ chối mạnh mẽ bất kỳ trò chơi địa chính trị nào trên khắp châu Phi. Tại Diễn đàn kinh tế Nga - châu Phi lần này, Nga dự kiến cũng sẽ đề xuất các đối tác châu Phi cùng thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên như vàng, đồng hay dầu khí…
Năm ngoái và đầu năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thực hiện nhiều chuyến công du đến các nước cận Sahara và khu vực Bắc Phi. Ngoài ra, Nga cũng tranh thủ thể hiện vai trò và tiếng nói với các nước châu Phi tại các diễn đàn như BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi); Liên minh châu Phi (AU) hay Cộng đồng kinh tế Tây Phi…. Chưa hết, Tổng thống Putin còn khẳng định sẽ có chiến lược hợp tác - phát triển khác với phương Tây hay Trung Quốc. Đó là cam kết không sử dụng áp lực hay đe dọa bên ngoài vỏ bọc đầu tư, không khai thác tận diệt tài nguyên hay “bẫy nợ đầu tư” đối với các nước trong khu vực.
Sau chuyến thăm các nước Trung Đông của ông Putin hồi tuần trước, Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Nga và các nước khu vực châu Phi một lần nữa khẳng định trọng tâm ngoại giao của Moscow đối với khu vực này. Không chỉ gia tăng thêm tiếng nói và vị thế, các thỏa thuận mua bán vũ khí, đầu tư khai thác khoáng sản tại lục địa đen sẽ là động lực để Tổng thống Nga Putin quyết tâm kích hoạt một cuộc chơi mới tại châu Phi.