Ngành nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực, thay đổi bộ mặt nông thôn

(VOV5) - Trong thời kỳ đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt những thành tựu nổi bật, duy trì tốc độ tăng trưởng đều và ổn định.

Ngày 14-9-2015 là kỷ niệm tròn 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ chăm lo phát triển ngành nông, lâm nghiệp của Việt Nam. Từ buổi ban đầu là một nước nông nghiệp nghèo nàn, đến nay Việt Nam đã tiến một bước dài trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Không những thế, Việt Nam còn trở thành nước có những mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng nhất, nhì thế giới.

Ngành nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực, thay đổi bộ mặt nông thôn - ảnh 1
Tham quan mô hình sản xuất nấm ở xã Khánh Vân (Yên Khánh). Ảnh: Đức Lam


Trong thời kỳ đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt những thành tựu nổi bật, duy trì tốc độ tăng trưởng đều và ổn định, thể hiện được lợi thế so sánh của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nông nghiệp đã thực sự trở thành chỗ dựa nền tảng cho công nghiệp và dịch vụ, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định xã hội ở Việt Nam.

Quốc gia xuất khẩu nông sản lớn

Cho đến năm 2014, Nông nghiệp Việt Nam chiếm tỷ trọng 18% trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn trên thế giới với nhiều sản phẩm chủ lực. 10 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD của Việt Nam gồm: gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản. Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, hạt tiêu, đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, cà phê; đứng thứ 4 về xuất khẩu cao su; đứng thứ 5 về xuất khẩu thủy sản; đứng thứ 7 về xuất khẩu chè. Những thành tựu của ngành Nông nghiệp đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao cuộc sống của người dân và ổn định kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, ông Cao Đức Phát, cho biết: “Trong 5 năm vừa qua, kết quả quan trọng nhất mà ngành đạt được là đã duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 3%/năm, đây là mức cao so với bình quân trên thế giới. Xuất khẩu nông sản đã tăng mạnh, năm 2014 đạt tới gần 31 tỷ đô la. Tiếp đến là việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào lan rộng ở các địa phương trong cả nước, tạo ra sự chuyển biến rất rõ nét về đời sống ở các khu vực nông thôn”.

Ngành nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực, thay đổi bộ mặt nông thôn - ảnh 2


Những thành tựu của ngành Nông nghiệp thể hiện rằng Việt Nam đã có chính sách hợp lý, phù hợp nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp, biết nắm bắt cơ hội và tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa, tạo ra một cú hích lớn đối với sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp.

Tận dụng lợi thế ngành nông nghiệp nhiệt đới để hội nhập

Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại ổn định với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nền kinh tế của Việt Nam nói chung, các sản phẩm của ngành Nông nghiệp nói riêng đang có nhiều cơ hội tham gia vào 7 thị trường mậu dịch tự do gồm:  khu vực Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN; khu vực tự do ASEAN – Trung Quốc; khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Ấn Độ; ASEAN - Australia; ASEAN - Hàn Quốc; ASEAN - Nhật Bản và Việt Nam – Nhật Bản. Để hội nhập tốt và duy trì thành quả phát triển 70 năm qua, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: “Trong điều kiện các ngành kinh tế đều phát triển, việc tạo việc làm, rồi đảm bảo thu nhập của nông dân, tiếp tục nỗ lực xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ rất to lớn với toàn ngành nông nghiệp. Để giải quyết căn cơ những vấn đề đang đặt ra, yêu cầu bức thiết là phải có những điều chỉnh căn bản để tạo điều kiện cho nền nông nghiệp tiếp tục phát triển với hiệu quả cao và bền vững. Theo đó phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất và thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết thêm là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp sẽ theo hướng phát huy lợi thế, nâng cao chất lượng hiệu quả và phát triển bền vững. Cụ thể, ngành sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt nhất lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; phát triển các mặt hàng nông sản có thế mạnh cạnh tranh trên thế giới như cà phê, cao su, lúa gạo, cá da trơn, tôm, hạt điều, hải sản, rau quả, đồ gỗ....Song song đó, ngành sẽ tổ chức xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn; mở rộng hình thức trang trại, kinh tế hợp tác, áp dụng khoa học công nghệ cao, tăng cường kết nối giữa sản xuất với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, hội nhập quốc tế sẽ là ưu tiên hàng đầu để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhằm nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về sản lượng, giá trị và thương hiệu các sản phẩm nông sản xuất khẩu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác