(VOV5) - Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam vừa giới thiệu Nghị định 72 với những điều khoản về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet theo hướng tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, thúc đẩy sự phát triển của các loại hình thông tin mới trên mạng Internet, trái với những chỉ trích của một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí cho rằng Nghị định 72 là "mối đe dọa khổng lồ mới đối với các nhà báo trên mạng cũng như các blogger”.
|
(Ảnh minh họa: TTXVN) |
Nghị định 72 gồm 6 chương, 46 điều, quy định chi tiết về dịch vụ Internet, tài nguyên Internet, nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông, việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin trên mạng. Nghị định 72 tạo điều kiện phát triển các loại hình thông tin trên mạng thông qua các biện pháp cấp phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, đăng ký cung cấp dịch vụ. Nghị định cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin trên mạng của người sử dụng dịch vụ và đề cập vấn đề quản lý việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới trên cơ sở bảo đảm pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, như lời Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Nam Thắng, khẳng định trong cuộc họp báo giới thiệu Nghị định này: “Khi xây dựng Nghị định 72, chúng tôi phải đảm bảo sao cho các quy định pháp luật là tạo điều kiện thúc đẩy, giao lưu, hợp tác kinh tế quốc, cũng như thương mại điện tử. Chúng tôi phải cập nhập các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết tham gia trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong Tổ chức Thương mại thế giới WTO, các Hiệp định song phương, đa phương khác mà Việt Nam tham gia để tham khảo, bảo đảm hành lang pháp luật Việt Nam về Internet vừa phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và vừa đáp ứng các thông lệ pháp luật quốc tế mà Việt Nam tham gia.”
Thông tin về Nghị định 72 như vậy tưởng đã quá rõ ràng. Nhưng trước và sau khi Nghị định 72 được Chính phủ Việt Nam ban hành, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) có trụ sở tại Pháp và Tổ chức Committee to Protect Journalists (CPJ) có trụ sở tại Mỹ đã xuyên tạc thực tế tự do báo chí Việt Nam, cho rằng Nghị định 72 “nhằm vào tự do trên mạng” và là “mối đe dọa khổng lồ mới đối với các nhà báo trên mạng cũng như các blogger”. Có thể khẳng định, Nghị định 72 không có một câu, chữ nào thể hiện sự cấm đoán các cá nhân sử dụng mạng xã hội chia sẻ và tổng hợp tin tức, do đó Nghị định này hoàn toàn không là “ mối đe doạ đối với các nhà báo trên mạng cũng như các blogger”. Theo Nghị định này, các cá nhân hoàn toàn được quyền chia sẻ các thông tin tổng hợp trên mạng xã hội. Chỉ có điểm khác trước là thay vì trích dẫn nguyên văn thông tin, các cá nhân được phép trích dẫn một phần thông tin gắn kèm với đường link gốc của thông tin để người khác muốn tham khảo thông tin đầy đủ có thể truy cập vào đường link đó. Mục đích của quy định này là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền về thông tin của các cơ quan báo chí bởi thực tế cho thấy nhiều cơ quan báo chí đã hết sức bức xúc trước vấn nạn xâm phạm bản quyền thông tin, bản quyền tác giả trên các mạng xã hội.
Ngoài việc tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của các loại hình thông tin mới bên cạnh các phương thức thông tin truyền thống trên mạng Internet, Nghị định 72 tăng cường bảo đảm an toàn và an ninh thông tin trên mạng cũng là điều phù hợp. Bởi quản lý song song với việc tạo điều kiện cho Internet phát triển, là điều mà Việt Nam cũng như bất cứ quốc gia nào sử dụng Internet đều phải tiến hành. Việc quản lý an toàn và an ninh thông tin trên mạng của Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế Việt Nam. Về điều này, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Nam Thắng khẳng định: “Để đấu tranh với các nội dung thông tin sai trái, vi phạm pháp luật trên mạng không chỉ bằng biện pháp đơn thuần hành chính, kỹ thuật hay kinh tế mà biện pháp quan trọng là cộng đồng các cơ quan thông tin đại chúng trên mạng chúng ta làm sao cung cấp được nhiều thông tin chính thống, thông tin chính xác thì sẽ có tác dụng đẩy lùi các thông tin sai trái, độc hại. Ý thức cộng đồng sử dụng Internet cũng rất quan trọng, thông qua biện pháp giáo dục gia đình, trường học và xã hội để cho những người dùng Internet hướng đến các thông tin tốt, lành mạnh.”
Từ hơn 10 năm nay, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh trên thế giới (đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á). Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay, tổng số thuê bao băng rộng của Việt Nam đạt gần 5 triệu, tổng số thuê bao 3G đạt hơn 3,3 triệu. Tính đến cuối năm 2012, Việt Nam có hơn 31,3 triệu người sử dụng Internet, chiếm 35,58% dân số. Đây chính là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy, tự do Internet của Việt Nam là sự thật không thể bác bỏ. Trong bối cảnh Internet tiếp tục phát triển theo hướng mở cửa cạnh tranh và hội nhập quốc tế, cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam phải quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng. Việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet ở Việt Nam nhưng bảo đảm được các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa, an ninh quốc gia, tuân thủ đúng quy định pháp luật của pháp luật Việt Nam và quốc tế, như những quy định của Nghị định 72 mới đây, là điều đáng thực hiện để ngăn ngừa những mặt trái của Internet có thể gây ra những hệ lụy, hậu quả khôn lường cho xã hội./.