(VOV5) - Trong giai đoạn hiện nay, khi độ “mở” của nền kinh tế ngày càng sâu và rộng, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng đồng thời đối mặt với không ít thách thức. Làm thế nào để vừa bảo vệ tốt lợi ích quốc gia mà vẫn hài hòa với luật chơi quốc tế là nhiệm vụ đặt lên vai của ngành ngoại giao. Đây là nội dung chủ yếu của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 diễn ra tại Hà Nội trong suốt tuần này.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị ngoại giao lần thứ 28 |
Định kỳ 2 năm một lần, vào những ngày cuối năm, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam thuộc nhiều khu vực trên thế giới lại có mặt tại Hà Nội, tham dự Hội nghị của ngành. Diễn ra trong 6 ngày, Hội nghị năm nay là hội nghị lần thứ 28 và cũng là hội nghị diễn ra sau đúng 12 năm kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về “Hội nhập kinh tế quốc tế”. Hội nghị lần này tập trung đánh giá, phân tích tình hình trong nước và quốc tế, từ đó đề ra những nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, vì mục tiêu cao nhất là đem lại lợi ích cho đất nước.
Hỗ trợ đắc lực phát triển kinh tế đất nước
Theo nhận định, 2 năm qua, kể từ Hội nghị ngoại giao 27, có thể thấy vai trò của ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đất nước có bước phát triển rõ rệt. Ngoại giao đã thực sự làm tốt vai trò hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới, đồng thời chủ động nghiên cứu, dự báo các xu hướng phát triển lớn và kinh nghiệm của các nước để góp phần tham mưu cho Chính phủ trong điều hành và ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế.
Không chỉ tạo thuận lợi cho quá trình vận động công nhận quy chế kinh tế thị trường, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA), thu hút đầu tư trực tiếp (FDI), ngoại giao còn kịp thời đấu tranh với các hành vi bảo hộ, phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại. Từ thực tế thị trường Hoa Kỳ, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Đây là những khác biệt mà chúng ta phải tiếp tục đấu tranh bằng những biện pháp, trên cơ sở luật pháp của Mỹ và Việt Nam, thậm chí qua những cơ chế khác như Tổ chức thương mại thế giới. Hiện nay quan hệ thương mại càng phát triển thì càng dễ phát sinh những tranh chấp thương mại, vì vậy các cơ quan chức năng trong nước cũng như Cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chống lại những hàng rào thuế quan, phi thuế quan đó”.
Ngoại giao cũng tích cực thúc đẩy các đàm phán hình thành các Hiệp định thương mại tự do (FTA) then chốt, qua đó xác lập các nền tảng lợi ích về chiến lược, chính trị và kinh tế cho quan hệ đối tác dài hạn của Việt Nam với tất cả các trung tâm kinh tế-chính trị hàng đầu thế giới. Theo Đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Phạm Sanh Châu, điều then chốt để làm tốt nhiệm vụ ngoại giao kinh tế là phải dự báo sát tình hình nước sở tại, từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước đề ra những quyết sách đối ngoại quan trọng: “EU đang triển khai đường lối đối ngoại tích cực và đáng chú ý là quan tâm hơn đến địa bàn châu Á, đặc biệt là ASEAN trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta đã thúc đẩy được quan hệ rất tích cực nhiều mặt. Lần đầu tiên chúng ta đã ký được thỏa thuận và đang tiến hành phê chuẩn Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện, làm cơ sở pháp lý toàn diện cho hợp tác giữa Việt Nam và EU trong thời gian tới. Chúng ta cũng đang thảo luận với phía bạn một Hiệp định tự do hóa thương mại FTA, hy vọng là sớm kết thúc vào cuối năm sau”.
Từ thành công đối với thị trường Indonesia, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Nguyễn Xuân Thủy cũng khẳng định ngoại giao phải làm nhiệm vụ mở đường, luôn đánh giá và dự báo sát những điều chỉnh chính sách của nước sở tại, những tác động đối với môi trường an ninh và phát triển của đất nước để từ đó đưa ra những ý kiến tham mưu kịp thời. Trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của thế giới nhưng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Indonesia vẫn đạt mức 4,7 tỷ USD/năm và quan trọng là hai bên đã xác lập được khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược: “Indonesia đang nổi lên là một thị trường đầy tiềm năng. Indonesia vừa vẫn có những điều chỉnh về chính sách vĩ mô, đồng thời vẫn vừa phát huy được vai trò trên trường quốc tế. Đó là những bài học kinh nghiệm mà chúng ta có thể tham khảo và chúng tôi nhận thấy là phải có trách nhiệm nghiên cứu, nắm bắt những chuyển biến, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước để tìm ra phương thức tăng cường hợp tác”.
Cho đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bước chân vào thị trường của 200 nước và vùng lãnh thổ. Năm 2013, hầu hết các thị trường đều đạt kim ngạch xuất khẩu như mục tiêu đã đề ra. Đây là kết quả có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài.
Chung sức vì mục tiêu hội nhập
Diễn ra vào thời điểm đất nước đang có nhiều thay đổi, Hội nghị ngoại giao lần này mang nhiều ý nghĩa. Trong bối cảnh, còn 7 năm nữa Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các ý kiến đóng góp tâm huyết của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài sẽ góp phần triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại, chính sách hội nhập quốc tế toàn diện, đem lại nhiều thành tựu hơn nữa cho đất nước./.