(VOV5) - Kết quả này là hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn vaccine toàn cầu vốn đã khan hiếm, nay với tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn do các biến chủng mới lại càng khan hiếm hơn.
Công tác đối ngoại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 đã được triển khai linh hoạt, sáng tạo, đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào nỗ lực chung của Chính phủ trong thực hiện “mục tiêu kép”. Đặc biệt trong thành tựu chung đó, trong điều kiện đại dịch COVID-19 gia tăng, công tác ngoại giao vaccine được triển khai một cách quyết liệt, góp phần thực hiện thành công bước đầu chiến lược vaccine Chính phủ đã đề ra.
Với mục tiêu thực hiện thành công chiến lược vaccine trong thời gian sớm nhất, vừa qua, một chiến dịch vận động ngoại giao vaccine khẩn trương, toàn diện và quyết liệt đã được triển khai. Việt Nam đã đẩy mạnh vận động ở cấp cao nhất, với tần suất liên tục nhất và hình thức đa dạng nhất, trên tất cả các kênh tiếp xúc song phương và đa phương.
Bộ trưởng Bộ Thương mại, Đầu tư và Du lịch Australia Dan Tehan cho biết chính phủ Australia cam kết hỗ trợ 1,5 triệu liều vaccine AstraZeneca sản xuất tại Australia cho Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: VGP |
Những thành công bước đầu trong chiến lược vaccine
Trong bối cảnh nguồn vaccine khan hiếm trên toàn cầu và có sự bất bình đẳng giữa các nước trên thế giới, Việt Nam đã nỗ lực vận động, tranh thủ các mối quan hệ cả song phương và đa phương, ngoại giao vaccine được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả. Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cho biết: "Theo thống kê, có đến 75% vaccine tập trung ở các nước giàu trong khi các nước nghèo chỉ được tỷ lệ rất thấp, đây là thực trạng đáng báo động. Chúng ta cũng ở trong guồng như vậy.
Hầu hết Đông Nam Á là những nước đang phát triển, khả năng tiếp cận vaccine rất khó khăn và hiện nay rất nhiều nước vẫn đang phải vật lộn với nguồn vaccine. Có thể nói, trong bối cảnh đó, Việt Nam chúng ta là nước đi tương đối nhanh trong khu vực về tiếp cận vaccine và đến nay Việt Nam là nước Đông Nam Á thứ hai nhận được vaccine từ nguồn COVAX lớn nhất."
Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng bước đầu với 9 triệu liều vaccine có mặt ở Việt Nam, hơn 4 triệu người dân được tiêm vaccine, trong đó khoảng 300 nghìn người được tiêm mũi thứ hai.
Lô vaccine phòng dịch COVID-19 đầu tiên về sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh, được khử khuẩn tại chỗ. Ảnh: Bộ Y tế |
Đến nay, Việt Nam đã cam kết và ký hợp đồng mua khoảng 124 triệu liều vaccine; trong đó có 38,9 triệu liều do COVAX tài trợ, 30 triệu liều Astra Zeneca ký hợp đồng với Công ty cổ phần vaccine Việt Nam VNVC, 31 triệu liều Pfizer ký với Chính phủ, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho Công ty Zuellig Pharma Việt Nam. Cùng với đó, Tập đoàn T&T đang đàm phán mua 40 triệu liều Sputnik-V từ Quỹ đầu tư trực tiếp Nga. Bộ Y tế cũng được Liên bang Nga cam kết hỗ trợ miễn phí 20 triệu liều Sputnik-V; đang đàm phán mua 15 triệu liều Covaxin của Ấn Độ, Trung Quốc hỗ trợ 500.000 liều Vero Cell của Sinorpharm…
Mới đây nhất, ngày 14/7, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã quyết định tặng 100 nghìn liều vaccine Astra Zeneca cho Việt Nam. Trước đó, ngày 13/7, Bộ trưởng phụ trách thương mại, đầu tư và du lịch Australia Dan Tehan cho biết Chính phủ Australia đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 1,5 triệu liều Astra Zeneca cùng khoản viện trợ 40 triệu AUD nước này dành cho Chiến dịch phòng, chống COVID-19 của Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản cũng thông báo viện trợ thêm cho Việt Nam 1 triệu liều Astra Zeneca, đồng thời sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam về thử nghiệm lâm sàng, chuyển giao và bán công nghệ sản xuất vaccine.
Dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 124 triệu liều vaccine COVID-19. Ảnh: VOV |
Quyết liệt để thành công
Kết quả này là hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn vaccine toàn cầu vốn đã khan hiếm, nay với tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn do các biến chủng mới lại càng khan hiếm hơn. Có được nguồn vaccine quý giá trên, với vai trò đại diện Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài, hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở các nước đã chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác, làm việc, vận động sở tại, chắp nối, thu xếp điện đàm của Lãnh đạo Cấp cao, lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao với các đối tác và các tổ chức quốc tế. Bà Nguyễn Minh Hằng, Vụ trưởng Vụ kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao khẳng định: "Chúng ta đã rất chủ động trong các đàm phán để có nguồn vaccine. Nhưng đối với vaccine cũng là những tình huống đặc biệt. Đạt được cam kết thỏa thuận những không có nghĩa là các hãng vaccine chuyển giao đúng thời hạn như cam hết. Cho nên chúng tôi tiếp tục phải vận động, hơn 90 cơ quan đại diện ngoại giao phải tiếp tục theo dõi sát tình hình."
Tổ chức Y tế Thế giới dự báo đến tháng 9/2021, tình hình khan hiếm vaccine vẫn diễn ra nghiêm trọng. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng tốc hơn nữa trong việc triển khai hiệu quả hơn, quyết liệt hơn “ngoại giao vaccine" đồng thời, tiếp tục vận động các đối tác song phương và các tổ chức quốc tế cung cấp nguồn vaccine cho Việt Nam; thúc đẩy hơn nữa chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ sản xuất lâu dài.
Những thành công bước đầu trong mũi nhọn ngoại giao vaccine là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch; góp thêm niềm tin, sức mạnh cho từng người dân để thêm vững tin, ủng hộ những quyết sách của Đảng, Nhà nước, tiến tới mục tiêu chiến thắng đại dịch, từng bước phục hồi nền kinh tế Việt Nam.