Những khác biệt về nhân quyền cần được trao đổi thẳng thắn

(VOV5)- Uỷ ban đối ngoại của Hạ viện Hoa kỳ ngày 7-3-2012 đã thông qua cái gọi là “Dự luật Nhân quyền Việt Nam” trong đó đưa ra những thông tin sai trái, thiếu khách quan về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam. Việc thông qua “Dự luật Nhân quyền Việt Nam” chẳng những không phản ánh đúng thực tế nhân quyền Việt Nam, mà còn đi ngược lại xu thế các quốc gia, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ, đang ngày càng tích cực đối thoại với nhau về vấn đề nhân quyền. 


Những khác biệt về nhân quyền cần được trao đổi thẳng thắn - ảnh 1


Việt Nam và Hoa kỳ có những khác biệt về vấn đề nhân quyền, đó là một thực tế không thể phủ nhận. Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam không có nhân quyền. Ông Đặng Dũng Chí, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quyền con người, Học viện chính trị hành chính quốc gia HCM, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN mới đây cho biết, ngay sau khi trở thành thành viên Liên Hợp Quốc năm 1977, Việt Nam đã sớm gia nhập các Công ước quốc tế liên quan đến vấn đề nhân quyền và đến nay đã là thành viên của hầu hết các Công ước nhân quyền quan trọng.


Những khác biệt về nhân quyền cần được trao đổi thẳng thắn - ảnh 2

Việt Nam đạt nhiều thành tựu về giáo dục được LHQ đánh giá cao


Những năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt những nghĩa vụ của quốc gia thành viên các Công ước về nhân quyền và tháng 9/2009, Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo kiểm điểm định kỳ tại Hội đồng nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Điều đặc biệt là trong suốt thời kỳ đổi mới, Việt Nam ngày càng chú trọng hơn đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người. Trên thực tế, các quyền con người ở Việt Nam ngày càng được mở rộng và nâng cao. Ông Đặng Dũng Chí cho rằng “Nếu  xét theo các tiêu chí về nhân quyền của LHQ thì có thể thấy là các thành tựu nhân quyền VN thể hiện ở chỗ người dân ngày càng được tự do hơn, không chỉ trong các hoạt động kinh tế mà còn tự do lựa chọn nơi sinh sống, nơi làm việc của mình, tự do ra nước ngoài và tự do từ nước ngoài trở về, được bảo vệ một cách bình đẳng giữa tất cả mọi người và trước pháp luật. Người dân được tự do bày tỏ các quan điểm của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, có quyền khiếu nại, tố cáo đối với các hoạt động, việc làm sai trái của các cấp chính quyền. Rồi quyền tiếp cận thông tin từng bước được đáp ứng. Đời sống kinh tế văn hoá xã hội cũng không ngừng được nâng cao, thể hiện ở các quyền như giáo dục, quyền tiếp cận y tế, quyền được bảo vệ, hay là những cái quyền rất mới như là được sống trong một môi trường trong sạch. Những quyền này không phải chỉ có những người dân ở các khu vực thành thị mà đồng bào ở tất cả các khu vực của đất nước, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng”.

Những khác biệt về nhân quyền cần được trao đổi thẳng thắn - ảnh 3
Đồng bào ở vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng quyền con người


Nhiều năm qua, Việt Nam không những đạt được nhiều thành tựu trong việc đảm bảo quyền con người trên mọi lĩnh vực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận, mà còn nỗ lực giúp cộng đồng thế giới hiểu rõ hơn về vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Về điều này, ông Đặng Dũng Chí nhấn mạnh “Việt Nam ngày càng tích cực hơn trong việc đối thoại với các quốc gia và tổ chức quốc tế về vấn đề nhân quyền. Có rất nhiều hình thức đối thoại về nhân quyền như là đối thoại nhà nước với nhà nước, giữa chính phủ với chính phủ, giữa các nghị sỹ với nghị sỹ với nhau, giữa các tổ chức nhân dân với nhau. Tức là chúng ta sẵn sàng đối mặt với tất cả các vấn đề mà các tổ chức quốc tế, các cá nhân cũng như các quốc gia đặt ra đối với VN, không né tránh bất kỳ một vấn đề nào. Tôi nghĩ rằng đây là một điểm rất tích cực bởi vì chỉ có thông qua đối thoại thì chúng ta mới có thể giúp các bên hiểu rõ về những vấn đề quan tâm của mình và những người đối thoại cũng sẽ hiểu rõ về những vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm”.

 

Có thể thấy rõ, vấn đề nhân quyền có những khác biệt phụ thuộc vào trình độ phát triển và điều kiện thực tế của mỗi quốc gia, nhưng Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác và đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, để tăng cường hiểu biết lẫn nhau về những khác biệt, không chỉ là các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhân quyền. Song đối thoại và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền phải dựa trên cơ sở  bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là bảo vệ, thúc đẩy quyền con người ngày càng tốt hơn.

Việc Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Hoa kỳ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam với những thông tin không khách quan mới đây rõ ràng là việc làm thiếu thiện chí, đi ngược lại mối quan hệ Việt Nam- Hoa kỳ đang tốt đẹp hiện nay. Dư luận cho rằng, những khác biệt giữa Việt Nam và Hoa kỳ trong lĩnh vực nhân quyền cần tiếp tục được trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng và tôn trọng lẫn nhau, nhằm tăng cường hiểu biết và góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia hơn là thực hiện những việc làm mang tính áp đặt và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác