(VOV5) - Yêu cầu đặt ra cho công tác đối ngoại nói chung, ngành ngoại giao nói riêng trong giai đoạn mới là chủ động, tích cực, toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả.
Đối ngoại Việt Nam 2021 đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, để lại những dấu ấn quan trọng và kết quả nổi bật. Phát huy những thành quả đạt được, công tác đối ngoại của đất nước tiếp tục được triển khai trong bối cảnh chiến lược mới, trên cơ sở từ tầm vóc và vị thế mới của đất nước và từ những thay đổi của cục diện quốc tế.
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ rõ nhiệm vụ “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại” trong việc thực hiện 3 mục tiêu: “Tạo lập và giữ vững môi trường, hoà bình, ổn định”, “huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước” và “nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”. Mục tiêu cao nhất của đối ngoại là phải tích cực đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu phát triển chiến lược đến 2025, 2030 và 2045 của đất nước.
Cao hơn về chất lượng hiệu quả, sâu rộng hơn về lĩnh vực tham gia
Yêu cầu đặt ra cho công tác đối ngoại nói chung, ngành ngoại giao nói riêng trong giai đoạn mới là chủ động, tích cực, toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, từ sớm, từ xa với mục tiêu là cao hơn về chất lượng hiệu quả, sâu rộng hơn về lĩnh vực và lực lượng tham gia, đồng bộ chặt chẽ hơn về phối hợp, chủ động tích cực hơn trong triển khai. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngoại giao trong năm 2022 và những năm tiếp theo, theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, là: Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đi đôi kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước. Tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối ngoại; trong đó, trọng tâm là với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mekong.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết 2 năm Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liêp hợp quốc mới đây. Ảnh: baoquocte.vn |
Năm 2022, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, ngoại giao Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2022, với phương châm “Quyết liệt, đổi mới, chủ động thích ứng, hiệu quả, sáng tạo”, Ngoại giao kinh tế có ba nhiệm vụ chính, bao gồm: đóng góp vào phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ: Chúng ta xác định là xây dựng một nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân địa phương, doanh nghiệp là trung tâm. Rõ ràng công tác ngoại giao kinh tế chỉ có thể thực hiện được hiệu quả khi có sự ủng hộ sự phối hợp chặt chẽ và sự tham gia tích cực chủ động của các địa phương, các doanh nghiệp và đặc biệt là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, các cam kết, thỏa thuận quốc tế, trong đó các FTA đã ký, nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài, kết hợp hiệu quả với các nguồn lực trong nước để phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đối ngoại đa phương tiếp tục khẳng định vị thế và tầm vóc mới của Việt Nam trên trường quốc tế
Đối ngoại đa phương của Việt Nam thời gian qua đạt nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt Việt Nam vừa kết thúc 2 năm đảm nhận Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liêp hợp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021. Những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ này rất đáng tự hào. Không chỉ thúc đẩy thượng tôn pháp luật, cách hành xử đa phương dựa trên luật pháp quốc tế, Việt Nam còn tạo được môi trường thuận lợi cho phát triển. Tại Hội nghị tổng kết 2 năm Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liêp hợp quốc mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các hoạt động đối ngoại thời gian tới cần được triển khai mạnh mẽ hơn, tham gia định hình luật chơi tại các diễn đàn đa phương phù hợp với điều kiện cho phép; chủ động đề xuất các sáng kiến, tạo dấu ấn tích cực, nâng cao vị thế và giá trị Việt Nam trong quan hệ với các nước: Trong giai đoạn phát triển mới, công tác đối ngoại sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; góp phần thực hiện mục tiêu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tất cả vì lợi ích của nhân dân và sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước trong bối cảnh mới, tiếp tục xây dựng trường phái đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc “cây tre Việt Nam”, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: TTXVN |
Trong bối cảnh trong nước đối mặt nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, môi trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ đối ngoại năm 2022 hết sức nặng nề, vừa giữ vững những kết quả tích cực đã đạt được, vừa tiếp tục tranh thủ các nguồn lực cho phát triển. Không chỉ hỗ trợ thúc đẩy và phục hồi phát triển kinh tế, đối ngoại còn có nhiệm vụ lan toả mạnh mẽ thông điệp về một đất nước yêu chuộng hòa bình, nhân văn, trọng công lý và lẽ phải, đổi mới, năng động, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm vì hoà bình và phát triển bền vững trên thế giới.