(VOV5) - Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay gồm 4 phiên thảo luận chính: kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư; đổi mới sáng tạo và kinh tế số
Ngày 28/06, Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khai mạc tại Osaka (Nhật Bản). Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới ngày càng có những xung đột lợi ích: sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong khi xu thế tự do thương mại đang phát triển. Những vấn đề này tác động không nhỏ tới kết quả của Hội nghị.
Diễn ra trong 2 ngày (28 - 29/06), Hội nghị cấp cao G20 quan trọng không chỉ vì nó đánh dấu 20 năm thành lập G20 mà còn vì diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đứng trước những thách thức lớn nhất trong 10 năm qua. Loạt vấn đề từng làm nóng Diễn đàn vào năm ngoái tại Argentina, như xung đột thương mại, biến đổi khí hậu, căng thẳng song phương, môi trường và năng lượng…thì đến năm nay, vẫn là các vấn đề trọng tâm đặt ra cho G20 tại Nhật Bản.
Cùng bàn thảo những vấn đề nổi cộm
Với mục tiêu trung tâm là “tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện”, Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay gồm 4 phiên thảo luận chính: kinh tế toàn cầu, thương mại, đầu tư; đổi mới sáng tạo và kinh tế số; Môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu; phát triển bền vững, việc làm, phụ nữ, y tế.
Sân khấu dành cho các đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao G20 ở Osaka, Nhật Bản - Ảnh: AFP |
Theo Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe, hợp tác để duy trì và củng cố trật tự thương mại quốc tế mở và tự do là thách thức quan trọng nhất của thời đại. Các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu khi mà các ngân hàng trung ương lớn đang áp dụng các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời tái khẳng định quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ chính sách để đảm bảo tăng trưởng bao trùm và bền vững. Nhật Bản cũng kỳ vọng các nhà lãnh đạo G20 có thể nhất trí về tầm quan trọng của thương mại tự do và công bằng.
Một chủ đề khác được nước chủ nhà ưu tiên là việc xây dựng các quy tắc quốc tế để khai thác tiềm năng của nền kinh tế số và đảm bảo sự tự do luân chuyển dữ liệu xuyên biên giới thông qua việc xây dựng một cơ chế quốc tế. Tokyo cho rằng các giao dịch dữ liệu xuyên biên giới đang trở thành một ngành kinh doanh phổ biến trên thế giới và có thể sẽ trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Do vậy, Nhật bản chủ trương khởi xướng tiến trình này tại Hội nghị cấp cao G20.
Tuy nhiên 2 trọng tâm trên (thương mại và dữ liệu) không thể tách rời khỏi việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Phải làm cho WTO trở nên phù hợp hơn với tư cách là tổ chức bảo vệ thương mại quốc tế tự do và công bằng. Mặc dù vậy, các thành viên G20 hiện đang có quan điểm khác biệt về cách thức cải tổ WTO.
Vấn đề thứ ba tại hội nghị thượng đỉnh Osaka chính là tầm quan trọng của sự đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu. Ở Osaka, Nhật bản muốn G20 xác nhận tầm quan trọng của sự đổi mới sáng tạo đó.
Những thách thức
Hội nghị thượng đỉnh G20 đã trở thành một trong những diễn đàn quốc tế hằng năm quan trọng nhất trên thế giới. Tuy nhiên những gì diễn ra đang cho thấy không dễ dàng để có thể đạt được những thỏa thuận mang tính đột phá.
Trước tiên, thượng đỉnh G20 bị phủ bóng bởi cuộc chiến thuế quan ngày càng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ. Các tổ chức đa phương như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đối mặt với những thách thức chưa từng có từ bên trong, đặc biệt là chương trình hành động “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.
Kết quả các cuộc họp cấp Bộ trưởng G20 từ đầu năm đến nay cũng cho thấy những tín hiệu bất ổn định. Nhiều khả năng các nhà lãnh đạo G20 sẽ không đưa ra cam kết về chống chủ nghĩa bảo hộ bởi cũng giống như Hội nghị cấp cao G20 ở Buenos Aires (Argentina) năm ngoái vì Washington sẽ phản đối bất cứ cam kết nào như vậy.
Về các vấn đề khác, ngay trước thềm thượng đỉnh G20, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ không ký Tuyên bố chung của G20 nếu văn bản này không đề cập rõ ràng về vấn đề chống biến đổi khí hậu. Phản ứng của Tổng thống Macron được đưa ra sau khi dự thảo Tuyên bố chung của hội nghị G20 được tiết lộ không hề đề cập đến việc ủng hộ toàn diện Thoả thuận Paris 2015. Phía Pháp lo ngại, điều này có thể khiến G20 lặp lại kịch bản tại hội nghị năm ngoái tại Argentina khi vấn đề về chống biến đổi khí hậu bị xem nhẹ.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đứng trước những thách thức lớn. Những mâu thuẫn, khác biệt ngày càng gia tăng giữa 1 số quốc gia sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả của “diễn đàn hàng đầu vì hợp tác kinh tế quốc tế” này.