(VOV5) -Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018.
Những tuyên bố của quan chức cấp cao hai nước, những nhận định của giới truyền thông, chuyên gia quốc tế về việc Washington và Bắc Kinh đang tiến sát "vạch đích" đạt được một thỏa thuận là hoàn toàn có cơ sở. Tuy chưa thể dứt điểm ngay nhưng những động thái gần đây từ hai phía hứa hẹn mở các cánh cửa đàm phán tiếp theo nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới,
Trong một loạt các cuộc phỏng vấn với truyền thông mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ và Trung Quốc có thể nhất trí về một thỏa thuận trong 1-2 tuần tới để giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên công bằng hơn và Trung Quốc không còn áp các mức thuế đáp trả đối với nông sản Mỹ.
Trong khi đó, người phát ngôn Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc Trương Nghiệp Toại khẳng định Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới đánh giá tích cực những "tiến bộ thực chất" đã đạt được các vòng đàm phán thương mại với Mỹ. Ông bày tỏ hy vọng hai nước có thể tiếp tục tăng cường tham vấn để đạt được một thỏa thuận công bằng, đảm bảo lợi ích của cả hai bên.
Tìm kiếm điểm chung, gạt bất đồng
Trong các cuộc đàm phán gần đây, cả Washington và Bắc Kinh đều nhấn mạnh sự cần thiết đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Cụ thể, thỏa thuận đó phải bao gồm: Trung Quốc giảm thuế hoặc nới lỏng hạn chế đối với hàng nông sản, hóa chất, ôtô và các sản phẩm khác của Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cam kết đẩy nhanh việc dỡ bỏ những giới hạn về sở hữu nước ngoài đối với các dự án xe hơi và giảm thuế đối với xe nhập khẩu xuống thấp hơn mức thuế 15% hiện nay. Đối với yêu cầu thu hẹp thâm hụt thương mại của Washington, Bắc Kinh sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ, bao gồm cả việc mua lượng khí đốt tự nhiên trị giá hàng tỷ USD của tập đoàn năng lượng Cheniere Energy.
Đổi lại, Washington thông báo ngừng kế hoạch tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, đồng thời xem xét dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt đối với các sản phẩm của Trung Quốc từ năm ngoái.
Những thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng này được đưa ra đúng thời hạn 90 ngày đình chiến thương mại được đưa ra từ thời điểm cuộc gặp tháng 11/2018 kết thúc. Hai bên cũng khẳng định nỗ lực điều chỉnh thỏa thuận sao cho phù hợp hơn, công bằng hơn đảm bảo lợi ích cho cả hai phía. Những tuyên bố từ quan chức cấp cao hai nước đã góp phần củng cố sự lạc quan về tiến trình đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Hiện, có thông tin cho rằng Tổng thống D. Trump sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 27/3 tới để hoàn thiện thỏa thuận thương mại này.
Mở ra các cánh cửa đàm phán tiếp theo
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Mỹ lâu nay yêu cầu Trung Quốc có sự điều chỉnh về quy định pháp luật và các quy tắc để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Mỹ và chấm dứt việc ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc, chấm dứt hoạt động trợ giá ngành công nghiệp và mở cửa thị trường đối với hàng hóa Mỹ. Ngoài ra, Washinton muốn Bắc Kinh tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ để giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước mà theo ước tính của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ đã lên tới 417 tỷ USD trong năm 2018.
Hiện, nhiều khả năng những vấn đề cốt lõi nhất trong mâu thuẫn Mỹ-Trung vẫn đang chờ đợi quyết định cuối cùng của hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và D.Trump vào cuối tháng này. Liệu Trung Quốc có chấp nhận yêu cầu nào của Mỹ trong việc mở cửa thị trường, cải cách nền kinh tế hay không? Với những tín hiệu tích cực về kết quả đàm phán thời gian qua mà hai nước đang phát đi, hy vọng về thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hoàn toàn có cơ sở.