(VOV5) - Những ngày đầu tháng 9-2013, dư luận bất bình trước việc một số giáo dân ở xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An tụ tập, cản trở hoạt động của cơ quan hành chính địa phương, hành hung và bắt giữ cán bộ, gây mất trật tự công cộng. Vụ việc đã và đang được cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, nhìn lại hành động quá khích của một số giáo dân, gây tổn hại đến tình đoàn kết cộng đồng và sự tôn nghiêm của kỷ cương phép nước, những người có đạo, những công dân chân chính không khỏi chạnh lòng.
Dù là đạo Phật, đạo Công giáo, đạo Nho, đạo Lão, đạo Hồi… đạo nào cũng đáng trân trọng. Dù ở bất cứ đường tu, đích đến nào thì sống tốt, sống thiện vẫn là phương châm của người có đạo. Những lời răn của Chúa, của Phật, hay của các bậc Thánh hiền đều muốn con người không làm điều ác, không xúi người khác làm điều xấu, tránh xa tội lỗi, hạn chế tham, sân, si để đi theo con đường mà các Đấng cứu rỗi đã chọn, đã chỉ ra cho nhân gian.
|
Cái đích đến nào thì việc sống tốt, sống thiện vẫn là phương châm, cẩm nang của mọi đường tu Ảnh: Lê Minh |
Không ai có thể nhân danh tôn giáo để làm những điều trái với lẽ thường. Bởi một tín đồ tôn giáo, đồng thời cũng là một công dân. Mà công dân thì phải sống theo pháp luật. Đó chính là một thứ Đạo: Đạo làm dân! Không phải quyết định hành chính nào ban ra, cũng ngay lập tức được mọi người chấp nhận. Vì vậy, cơ chế khiếu nại và giải quyết khiếu nại tố cáo là cách mà Nhà nước Việt Nam dành cho công dân quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình. Nếu người dân không đồng tình với quyết định khởi tố, tạm giam 2 đối tượng Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải vì hành vi cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng thì việc phản ứng cũng phải được tiến hành đúng theo trình tự qui định của pháp luật. Việc khởi tố 2 đối tượng Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải là một bước trong qui trình tố tụng. Hai đối tượng này có tội hay không, tội ở mức độ nào, cũng phải chờ sự phán quyết của tòa án.Việc dùng đám đông gây rối để ép ông Chủ tịch xã Nghi Phương viết giấy cam kết có nội dung “đề nghị Công an tỉnh thả người” là rõ ràng một đòi hỏi vô lý. Bởi việc thả người hay không là thẩm quyền của cơ quan bảo vệ pháp luật, chứ không phải là việc của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở.
Không chỉ người có tri thức, suy nghĩ tỉnh táo, mà ngay những người trong cuộc, khi xem những hình ảnh ghi lại việc mình đã làm được đăng trên báo chí, truyền hình, hẳn cũng không khỏi băn khoăn, day dứt. Những phụ nữ chân quê vung tay ném đá, lớn tiếng chửi bới, bất chấp mọi điều, hẳn chính họ cũng tự vấn lương tâm: sao mình lại nông nổi, kích động đến vậy? Liệu việc mình làm đã đúng với Đạo mình theo? Có đúng với những lời răn dạy và sự hy sinh của Đấng bề trên!
“Sống tốt Đời, đẹp Đạo” kế thừa tinh hoa giáo lý, triết lý của các tôn giáo, pháp luật Việt Nam mang đậm tính nhân văn khi đề cao tình thương yêu con người, tính hướng thiện, sự hoà đồng nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Tuân theo pháp luật, cũng là một lối hành đạo để con người tránh xa lầm lỗi, tội ác, hướng về cõi thiện, làm cho “Sống tốt Đời, đẹp Đạo” được nhân lên thêm ý nghĩa. Hành động nông nổi, bị kẻ xấu dẫn dắt, vi phạm pháp luật là không phải tinh thần của Đạo.
Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là sống cho Đời, cho Đạo, là sự hài hòa giữa con người của đức tin tôn giáo với con người của trách nhiệm xã hội. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị pháp luật xử lý công bằng, bất kỳ người đó là ai.
Mọi tranh chấp đều có thể hóa giải, mọi sai lầm đều có thể thứ tha. Bởi dân tộc Việt Nam có truyền thống hết sức nhân văn là “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Sức mạnh vô biên của dân tộc Việt Nam chính là tinh thần đoàn kết. Nhưng đoàn kết không có nghĩa là đồng loã, che đậy cho những hành vi sai trái.
Thực tiễn cuộc sống cho thấy chân lý: bên cạnh niềm tin vào tôn giáo, niềm tin vào pháp luật cũng là bổn phận phải có của mỗi công dân! ./.
Vân Thiêng/VOV-Trung tâm tin