(VOV5) - Gần 1 tháng qua, 6 tỉnh miền Trung đã liên tiếp chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới gây ra hai đợt mưa kéo dài, vượt mưa lũ lịch sử của năm 1999.
Đợt mưa lũ lớn ở các tỉnh miền Trung Việt Nam từ ngày 6/10 đến nay gây thiệt hại lớn về người và tài sản. 130 người chết và 18 người mất tích, hàng nghìn ha hoa màu bị ngập, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở. Chính phủ Việt Nam cùng các địa phương nỗ lực triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống người dân vùng lũ. Những nỗ lực này nhận được đánh giá tích cực của dư luận.
Đợt lũ lần này ở Miền Trung là lũ lịch sử. Lũ lớn và đặc biệt lớn đã xuất hiện trên toàn 16 tuyến sông chính gây ngập lụt trên phạm vi rộng. Tuy nhiên việc chủ động chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của các cấp nên thiệt hại do mưa lũ được giảm thiểu.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc với các tỉnh miền Trung. - Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Chỉ đạo quyết liệt, kịp thời
Trong những ngày qua, ngoài việc trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở tỉnh Quảng Bình, làm việc với lãnh đạo 5 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam,Thừa Thiên - Huế và Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cử Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và nhiều lần cử Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào các tỉnh bị mưa lũ để cùng lãnh đạo các địa phương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn. Thủ tướng ban hành 8 công điện và nhiều văn bản chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; quyết định xuất cấp hóa chất khử khuẩn từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh miền Trung để phòng, chống dịch bệnh; tạm cấp 500 tỷ đồng (tương đương 21,5 triệu USD) từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai. Thường trực Chính phủ cũng quyết định xuất 5.000 tấn gạo cùng với nhiều vật tư và thuyền máy từ kho dự trữ quốc gia để hỗ trợ đồng bào 5 tỉnh miền Trung và cho các lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Các địa phương được yêu cầu tùy tình hình thực tế mà có trách nhiệm dùng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cùng "các nguồn tài chính hợp pháp khác" để thực hiện nhiệm vụ. Phát biểu trong chuyến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở tỉnh Quảng Bình (ngày 24/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Triển khai các việc cần làm ngay để đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân. Ví dụ môi trường và vấn đề dịch bệnh. Yêu cầu lớn nữa là không để người dân thiếu đói, rét, “màn trời chiếu đất”, sớm đưa học sinh trở lại trường. Giải quyết tốt hơn nữa việc cứu trợ của các địa phương đối với người dân.”
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, chính quyền các tỉnh miền Trung tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Các tỉnh cũng huy động lực lượng giúp dân sửa chữa nhà ở, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, không để “dịch chồng dịch”.
Việc tạo điều kiện để các đoàn cứu trợ nhanh chóng tiếp cận người dân cũng được chú trọng. Một số địa phương miễn phí ở khách sạn cho các đoàn cứu trợ. Ngành giao thông vận tải tạm dừng thu phí đường bộ trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Trị công tác cứu trợ, tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm vật tư, y tế cấp thiết được thuận tiện.
Tạo sự đồng thuận từ dư luận xã hội
Sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, cụ thể của Chính phủ trong khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung những ngày qua thể hiện sự sát sao, quan tâm tới đồng bào vùng lũ. Dư luận đánh giá đây là sự hỗ trợ cần thiết để người dân vượt qua khó khăn. Ông Đỗ Văn Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, đánh giá: “Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là bộ y tế phối hợp rất tốt với Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố, chính quyền địa phương làm tốt công tác vệ sinh môi trường để chống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm vấn đề nước sạch quay trở lại cho bà con, cung cấp điện, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống. Còn lâu dài, có chính sách để hỗ trợ, để người dân có nguồn lực khôi phục sản xuất.”
Thủ tướng động viên bà con vùng lũ. - Ảnh VGP/Quang Hiếu |
Bà Mai Thị Phương Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, cho rằng: “Đây là sự chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn hiện nay của Thủ tướng. Tôi đánh giá cao việc chỉ đạo của Thủ tướng, đáp ứng tình hình kịp thời.”
Ông Lê Văn Phong, người dân ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, bày tỏ: “Nhà nước đưa gạo dự trữ về rất kịp thời, đúng lúc đảm bảo nhu cầu trước mắt khi người dân bị ướt hết lúa gạo. Thay mặt bà cong xã Hải Chánh, cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm bà con vùng lũ chúng tôi.”
Gần 1 tháng qua, tại 6 tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam) đã liên tiếp chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới gây ra hai đợt mưa kéo dài, vượt mưa lũ lịch sử của năm 1999. Với việc chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự hỗ trợ của nhân dân cả nước, người dân miền Trung đang từng bước vực dậy sau lũ, ổn định lại cuộc sống.