(VOV5) - Kinh tế-xã hội từ đầu năm đến nay đạt 3 điểm nổi bật: tăng trưởng GDP có bước đột phá; kinh tế vĩ mô ổn định; và môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện vượt bậc.
Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, 13 chỉ tiêu năm 2017 trong Nghị quyết của Quốc hội đề ra đều dự kiến đạt và vượt so với kế hoạch. Kết quả này thể hiện thành công trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua. Tuy nhiên để hoàn thành tốt mục tiêu năm 2017, Chính phủ xác định không chủ quan trong những tháng còn lại của năm.
Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế năng động nhất của Việt Nam. Ảnh: Internet |
Kinh tế Việt Nam năm 2017 có nhiều điểm sáng ở cả khu vực dịch vụ sản xuất và xuất khẩu. Những nỗ lực của Chính phủ thời gian qua đã khiến môi trường kinh doanh, cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc. Việt Nam đã tăng 5 bậc trong Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 vừa công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Chính phủ đang đi đúng hướng
Việt Nam bước vào năm 2017 với nhiều điều kiện không thuận lợi cho phát triển kinh tế. Tăng trưởng GDP quý I đạt thấp, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng cả năm. Trước tình hình đó, Chính phủ xác định phải kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, chỉ đạo xây dựng kịch bản hàng quý cho từng ngành, lĩnh vực. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng chủ trì nhiều Hội nghị toàn quốc, hàng trăm cuộc họp để trực tiếp lắng nghe, chỉ đạo xử lý, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực; tham dự các hội nghị xúc tiến đầu tư tại một số địa phương…Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh bằng việc rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về tín dụng, thuế, phí, đất đai, đầu tư, xây dựng; cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Với những nỗ lực trên, kinh tế-xã hội từ đầu năm đến nay đạt 3 điểm nổi bật: tăng trưởng GDP có bước đột phá; kinh tế vĩ mô ổn định; và môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện vượt bậc. Việc đạt kết quả tăng trưởng khả quan cho thấy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu khí. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ được củng cố. Đây là tiền đề tốt, tạo đà phát triển nhanh, bền vững cho những năm tiếp theo, cụ thể là tạo dựng được sự vững tâm và tự tin hơn để bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định: “Kết quả trên khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện. Đây cũng là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017. Với tốc độ này, nếu không có thiên tai lớn xảy ra, nếu chúng ta không chủ quan trong chỉ đạo điều hành và khắc phục một số tồn tại bất cập thì năm 2017 có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm, Việt Nam hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao”.
Ghi nhận những nỗ lực điều hành của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: “Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Quốc hội cũng biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã vượt qua thách thức, dành được những kết quả tích cực, tạo tiền đề để đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội”.
Không chủ quan trong những tháng còn lại của năm 2017
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm, nền kinh tế sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó quý 4 phải đạt mức tăng trưởng 7,32%. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi mức tăng trưởng này phải cao gấp rưỡi hồi đầu năm và cao nhất trong 6 năm qua. Những nhân tố tác động lớn đến tăng trưởng quý 4 vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, hoạt động xuất, nhập khẩu. Đối với những lĩnh vực này, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong những tháng còn lại của năm, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; tập trung vào khâu thực thi, nhất là người đứng đầu phải luôn chỉ đạo sâu sát và chịu trách nhiệm: “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết. Cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; thực hiện chuyển mạnh mẽ từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm". Các bộ, ngành và địa phương cần thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp trên cơ sở những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp một cách thường xuyên và kịp thời”.
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay là cố gắng lớn của Chính phủ và các cấp, ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên và chuyển hướng sang công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Với sự chủ động trong điều hành, tinh thần không chủ quan khi thực hiện nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 của Việt Nam là trong tầm tay.