(VOV5) - Việt Nam cũng tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế...
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, diễn ra sáng nay (22/5), tại Hà Nội, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023. Báo cáo đã cho thấy bức tranh toàn diện về những thành quả kinh tế - xã hội nổi bật của đất nước trong những tháng qua, đồng thời đưa ra những giải pháp mà Chính phủ sẽ triển khai trong thời gian tới để hoàn thành những mục tiêu phát triển của năm nay. Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội là hoạt động thường niên.
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 22/5/2023. Ảnh: quochoi.vn |
Những điểm sáng trong phát triển
Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm ngoái tiếp tục phục hồi, đóng góp vào kết quả chung của cả năm. Trong đó, nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội, như: GDP tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%). GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD (đã báo cáo là 4.075 USD); chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,15% (đã báo cáo là khoảng 4%); thu NSNN tăng 12,5%, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác: "Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục giảm và trong giới hạn an toàn. Đến hết năm ngoái, Chính phủ đã hỗ trợ gần 104,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,45 tỷ USD) cho trên 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động và trên 68,43 triệu lượt người lao động gặp khó khăn. Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam năm ngoái đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32 trong nhóm 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín là Moody’s, S&P và Fitch đều duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam."
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo. Ảnh: VOV |
Trên đà thuận lợi đó, những tháng đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục bảo đảm kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong điều kiện kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng tuy không cao, đạt 3,32% so với cùng kỳ. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, trong đó lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7% so với cuối năm ngoái, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Xuất siêu 7,56 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 2,25 tỷ USD).
Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15 nghìn tỷ đồng (khoảng 640 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Chính phủ đã khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7 km. Bên cạnh đó, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, toàn diện.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: "Việt Nam thực hiện hiệu quả các chương trình đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. góp phần tích cực đưa quan hệ hợp tác song phương đi vào chiều sâu, thực chất và phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương. Ngoại giao kinh tế được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả, góp phần thu hút nguồn lực phục vụ phát triển; hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Israel. Kịp thời triển khai lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế."
Tập trung đầu tư cho các động lực tăng trưởng
Nhận diện tình hình thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động kép” từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đưa ra 10 giải pháp chính, trong đó trước tiên là tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ sẽ tập trung cho các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); Đẩy nhanh hoàn thuế giá trị gia tăng để góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm nay đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án công nghiệp trọng điểm. Chú trọng phát triển các dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao. Cơ cấu lại thị trường du lịch; khai thác hiệu quả hơn các thị trường khách quốc tế; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch bền vững; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương."
Song song với những giải pháp trên, Việt Nam tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực và đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam cũng tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực mới phục vụ phát triển kinh tế số, phát triển xanh, bền vững. Tiếp tục triển khai hiệu quả, kịp thời công tác bảo hộ công dân, ngoại giao văn hóa và thông tin đối ngoại.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng lớn của cả hệ thống, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo để có thể hoàn thành mục tiêu phát triển đã đề ra.