(VOV5) - Ramadan năm nay trĩu nặng nỗi lo khủng bố, đặt biệt là ở Châu Âu, nơi từ lâu không còn được coi là mảnh đất bình yên.
Hơn 1,6 tỷ tín đồ Hồi giáo trên thế giới hôm 27/5 đã bắt đầu tháng lễ Ramadan, dịp lễ trọng lớn nhất trong năm của đạo Hồi. Đối với phần đông người Hồi giáo thì tháng lễ Ramadan là khoảng thời gian dành cho cầu nguyện và làm các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, Ramadan năm nay trĩu nặng nỗi lo khủng bố, đặt biệt là ở Châu Âu, nơi từ lâu không còn được coi là mảnh đất bình yên.
Du khách và cảnh sát tại trung tâm London, Anh ngày 24/5. EPA/TTXVN |
Đối với người Hồi giáo , tháng lễ Ramadan là tháng linh thiêng trong năm. Đây sẽ là thời điểm mà người Hồi giáo thực hiện nghi thức nhịn ăn và uống như một cách để họ sám hối, để tha thứ và thanh tẩy tâm hồn và là dịp để các gia đình sum họp, quây quần bên nhau, tạo nên sự gắn bó hơn giữa các thành viên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Ramadan đã bị nhuốm màu bạo lực trên toàn thế giới, với các vụ tấn công của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
An ninh Châu Âu tăng cường trong tháng lễ Ramadan
Trong một thông điệp của IS đưa ra ngày 27/5, thông qua một cuộn băng ghi hình đăng trên Youtube, lực lượng cực đoan này đã kêu gọi những người Hồi giáo tại Châu Âu thực hiện các vụ tấn công tại những nơi mà họ đang sinh sống. Mục tiêu của các vụ tấn công này là các học giả, chính trị gia và IS khẳng định những gì sắp diễn ra sẽ rất khốc liệt.
Lời kêu gọi này gây ra một nỗi hoang mang tới đông đảo người dân tại châu Âu. Bởi lẽ, thực tế tháng Ramadan năm 2016 đã nhuốm màu bạo lực khi xảy ra liên tiếp các vụ khủng bố tại nhiều nơi trên thế giới. Mở màn là vụ tấn công vào câu lạc bộ ban đêm ở Orlando, Mỹ làm 49 người thiệt mạng. Sau đó là hàng loạt vụ tấn công xảy ra tại Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh…Còn tại Châu Âu, các vụ khủng bố năm 2016, hay gần đây nhất là vụ tấn công tại Manchester, Anh mà IS nhận trách nhiệm khiến người dân cảm thấy cực kỳ bất an và cho rằng vụ tấn công ở Anh có thể là mở đầu cho một loạt vụ tấn công tại phương Tây trong tháng lễ linh thiêng này.
Cảnh sát chống bạo động làm nhiệm vụ tại Taormina, đảo Sicily ngày 27/5. AFP/TTXVN
|
Nhiều nước EU đã đưa ra các biện pháp an ninh để đối phó với mối đe dọa khủng bố sau vụ tấn công tại Anh cũng như trong tháng lễ Ramadan. Anh nâng mức cảnh báo khủng bố cao nhất trong 1 thập kỷ qua. Mạng lưới Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cũng đã gửi lời cảnh báo đến 27 trung tâm cấp cứu lớn ở nước này và yêu cầu các trung tâm trực chiến đề phòng trường hợp xảy ra tấn công khủng bố. Pháp gia hạn tình trạng khẩn cấp trong khi Bộ trưởng Nội vụ Italia cho biết đang xem xét mức nguy cơ khủng bố.
Những bất ổn trong lòng Châu Âu
Châu Âu hiện có khoảng 50 triệu người Hồi giáo. Trong số đó, Pháp là quốc gia có số lượng người Hồi giáo đông đảo nhất, chiếm 7-10% dân số, tiếp đến là Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh và Italy.
Với việc xuất thân từ nhiều nhóm sắc tộc khác nhau và được tổ chức thành các cộng đồng dân cư biệt lập, những người Hồi giáo ở Châu Âu khó hòa nhập với xã hội và văn hóa sở tại. Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này không chỉ phụ thuộc ở bản thân họ mà còn ở chính sách đối với người di cư. Người dân châu Âu phần lớn có ấn tượng rất xấu với người Hồi giáo. Trong một cuộc khảo sát được thực hiện hồi cuối năm 2016, có tới 72% người Hungary không thiện cảm với người theo đạo Hồi. Tiếp đến là Italy với 69%, Ba Lan 66%, Hy Lạp 65% và Tây Ban Nha là 50%. Tỷ lệ này ở Anh và Pháp lần lượt là 28% và 29%. Đặc biệt tại Pháp, ước tính hiện nay đang có tầm 150 khu vực “cấm vào” của người Hồi giáo. Đây có thể là mầm mống của những bất ổn, gây nên những vụ tấn công kiểu “con sói đơn độc” trong thời gian qua.
Tháng Ramadan liệu có bình yên?
Tháng ăn chay Ramadan năm nay kéo dài 30 ngày, bắt đầu từ 27/5. Số liệu thống kê những năm gần đây cho thấy số lượng các cuộc khủng bố xảy ra vào tháng Ramadan thường tăng so với ngày thường. Năm ngoái, Abu Muhammad al-Adnani, người phát ngôn của IS, đã kêu gọi các phần tử khủng bố thực hiện những vụ tấn công kiểu “con sói đơn độc” trong tháng Ramadan. Và trên thực tế đó cũng là tháng Ramadan đẫm máu nhất trong lịch sử. Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh IS đang thất thế tại Iraq và Syria, các vụ tấn công như ở Manchester không đơn thuần là chỉ gây tổn thất cho nước Anh mà còn là công cụ quản lý hình ảnh của IS, tạo hiệu ứng truyền thông, động viên các tay súng ở tuyến đầu chiến đấu. Ngoài ra, các vụ tấn công như vậy cũng là cách để IS tạo hằn thù, gieo rắc bất hòa giữa thế giới Hồi giáo và cộng đồng xã hội rộng lớn hơn. Vì vậy, với vụ tấn công mở màn tại Manchester, sau đó là Ai Cập, các chuyên gia chống khủng bố lo ngại tháng lễ Ramadan năm nay khó được bình yên.