(VOV5) - Nước Mỹ ngày 16/4 lại bị chấn động bởi một vụ đánh bom kép xảy ra tại quảng trường Copley, trung tâm thành phố Boston, nơi đang diễn ra giải chạy Marathon lớn, thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người, trong đó có các vận động viên đến từ 96 quốc gia trên thế giới. Vụ tấn công đã gây căm phẫn trong dư luận. Mặc dù, ngay sau đó, nhà chức trách Mỹ cam kết sẽ làm hết khả năng để nhanh chóng tìm ra thủ phạm, nhưng dư âm từ vụ khủng bố này đã đặt ra những thách thức mới cho chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
Hai quả bom phát nổ ngay gần vạch đích của cuộc đua marathon Boston đã biến một sự kiện thể thao tưng bừng thành cảnh tượng tàn phá đẫm máu. Các vụ nổ thổi tung mọi người khỏi mặt đất. Tính đến thời điểm hiện tại, vụ tấn công đã làm ít nhất 3 người thiệt mạng và hơn 170 người bị thương. Con số thương vong có thể còn tiếp tục tăng do nhiều người bị thương rất nặng. Ngay sau vụ tấn công, Tổng thống Barack Obama đã chỉ đạo Chính phủ liên bang tăng cường an ninh trên toàn nước Mỹ và cam kết trên truyền hình từ Nhà Trắng rằng, sẽ đưa tất cả những kẻ đứng đằng sau các vụ đánh bom này ra trước công lý. Vụ việc khiến người ta liên tưởng đến vụ đánh bom khủng bố hơn 10 năm trước và dư luận cho rằng đây là bước trở ngại đầy chông gai đầu tiên đối với ông chủ Nhà Trắng khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 của mình với những tuyên bố sẽ tập trung vào các vấn đề như kiểm soát súng, nhập cư, thâm hụt ngân sách và chống khủng bố…
|
Hiện trường vụ đánh bom ở Boston. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ngay sau vụ tấn công, ngày 16/4, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) đã đồng loạt lên án vụ đánh bom dã man này. Cùng ngày, Hiệp hội Điền kinh Quốc tế (IAAF) cũng lên án vụ đánh bom, cho rằng đây là một vụ tấn công nhằm vào lòng can đảm và nhân đạo của con người. Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Iran, Afghanistan, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ... cũng đã đồng loạt lên án vụ đánh bom và bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều nguyên thủ quốc gia thế giới đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Rõ ràng, cụm từ “khủng bố” chưa được Tổng thống Barack Obama và các nhà chức trách Mỹ khẳng định, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn liên tưởng vụ việc với các vụ tấn công khủng bố trong quá khứ. Nhìn lại thời gian cách đây hơn 10 năm, vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã thay đổi sâu sắc tình hình an ninh ở nước Mỹ và thế giới. Chính từ sự kiện 11/9 đó, Washington đã phát động cuộc chiến nhằm vào Afghanistan để truy tìm và tiêu diệt tận cùng sào huyệt của tổ chức khủng bố Al Qeada. Một thập kỷ truy lùng, hao tiền tốn của không ít cũng đã kết thúc với việc trùm khủng bố Osama bin Laden bị bắn chết tại Pakistan tháng 5/2011. Người dân Mỹ khi đó đã "thở phào" như trút được gánh nặng lo ngại đè nặng bấy lâu. Từ thành công đó, nước Mỹ quyết định tiến hành kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan sau hơn 10 năm tham chiến tại đây. Thế nhưng, sự kiện vừa xảy ra đã làm thay đổi thái độ của nhiều người. Vụ tấn công nhằm vào một thời điểm nhạy cảm khi nước Mỹ đang rục rịch kỷ niệm 2 năm ngày tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden (ngày 2/5/2011); đồng thời xảy ra đúng vào ngày nghỉ lễ Yêu nước (15/4). Hai quả bom phát nổ tại sự kiện thu hút sự theo dõi của gần 27 nghìn người và hàng chục nghìn người xem, nhằm vào thành phố vốn được xem là trung tâm của giáo dục, nơi có đại học Havard và cũng là một trong những trung tâm tài chính lớn của Mỹ, rõ ràng đã tạo ra sự "chấn động" lớn, không chỉ với nước Mỹ mà cả thế giới. Mặc dù, từ Pakistan, phong trào Taliban đã phủ nhận có bất cứ vai trò nào trong các vụ đánh bom này, thêm vào đó, nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc tấn công có thể là tác phẩm của “các phần tử cực đoan cánh hữu”, liên quan đến các vấn đề trong nước…. Thế nhưng, vụ tấn công đã rung hồi chuông mạnh mẽ về cuộc chiến chống khủng bố mà Washington vẫn đang theo đuổi bấy lâu nay.
Cho tới thời điểm này, thủ phạm của vụ tấn công vẫn đang được cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI), cơ quan dẫn đầu trong nhiệm vụ chống khủng bố của nước Mỹ, tiến hành. Cựu nhân viên Cục điều tra bang Georgia, Charles Stone, người từng tham gia đội chống đánh bom của cơ quan này cho biết, có sự tương đồng của vụ đánh bom ở Boston với vụ đánh bom ở Thế vận hội Atlanta (Mỹ) năm 1996. Dẫu vậy thì vụ đánh bom kép vừa xảy ra một lần nữa đặt an ninh nước Mỹ vào thách thức mới. Tác động mới nhất của vụ khủng bố là khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Chỉ số S&P 500 sụt giảm tới 2%, chỉ số Dow Jones mất 1,79%, Nasdaq tụt 1,94%. Các nhà đầu tư cũng bán ra ồ ạt các loại hàng hóa như dầu và vàng. Nhưng, nguy hiểm hơn cả là tâm lý của người dân Mỹ khi ám ảnh về một vụ khủng bố hơn 10 năm trước lại hiện hữu./.