(VOV5) - Chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống mang lại nguồn lực chính trị lớn cho Tổng thống Vladimir Putin.
Cuộc bầu cử Tổng thống Nga, diễn ra từ 15-17/03, kết thúc với chiến thắng cách biệt của Tổng thống Vladimir Putin và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao kỷ lục. Kết quả cuộc bầu cử này cho thấy xã hội Nga đang đoàn kết hơn trước các thách thức lớn hiện nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters |
Theo các kết quả ban đầu được Ủy ban bầu cử Trung ương Nga công bố trong đêm 17/03 sau khi kiểm gần 84% số phiếu, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin giành được 87,97% số phiếu bầu của cử tri Nga trong khi 3 ứng cử viên còn lại chỉ giành được từ 3-5% phiếu bầu.
Củng cố đoàn kết trong xã hội Nga
Với gần 88% phiếu bầu của cử tri Nga, Tổng thống Vladimir Putin giành một trong những chiến thắng áp đảo nhất trong lịch sử chính trường Nga và sẽ tiếp tục nắm quyền trong 6 năm tới (2024-2030). Đây cũng là nhiệm kỳ Tổng thống thứ 5 của ông Putin kể từ lần đầu tiên nắm giữ cương vị người đứng đầu nước Nga vào năm 1999.
Bên cạnh số phiếu ủng hộ Tổng thống Vladimir cao kỷ lục, tỷ lệ cử tri Nga đi bầu (74,22%) cũng là cao nhất trong các kỳ bầu cử Tổng thống Nga, hơn hẳn tỷ lệ 67,54% năm 2018. Những con số này cho thấy đại đa số cử tri Nga không chỉ vẫn có niềm tin vào Tổng thống Vladimir Putin mà còn thể hiện sự đoàn kết lớn hơn trong bối cảnh hiện nay nhằm ứng phó với các sức ép từ bên ngoài. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, tỷ lệ đi bầu cao cho thấy người dân Nga ý thức rất rõ về tình cảnh và các thách thức hiện nay đối với đất nước: “Đó là lí do mà tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao kỷ lục. Người dân đi bỏ phiếu để tạo nên những điều kiện củng cố chính trị nội bộ để tiến lên phía trước. Sự đoàn kết này sẽ cho phép chúng ta hành động một hiệu quả ở tiền tuyến, phát triển kinh tế và con người, hoàn tất những mục tiêu của các kế hoạch phát triển xã hội. Chúng ta có những dự án phát triển lớn. Người dân cảm nhận được điều đó nên đi bỏ phiếu để đưa Nga phát triển lớn mạnh hơn”.
Theo giới quan sát, chiến thắng của ông Vladimir Putin, kể cả một chiến thắng áp đảo, là điều đã được dự đoán trước bởi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Nga luôn ở mức rất cao trong nhiều năm qua. Vì thế, điều đáng chờ đợi hơn từ cuộc bầu cử Tổng thống Nga là các chỉ dấu về xã hội Nga vào thời điểm hiện tại, sau hơn 2 năm diễn ra xung đột Nga-Ukraine và cuộc đối đầu địa chính trị toàn diện giữa Nga và các nước phương Tây. Angela Stent, chuyên gia của Trung nghiên cứu Á Âu, Nga và Đông Âu tại trường Đại học Georgetown (Mỹ), nhân định có 2 điều mà các nước phương Tây đặc biệt chú ý đến cuộc bầu cử tại Nga, gồm: cách phản ứng của cử tri Nga với bối cảnh hiện tại thông qua lá phiếu; các thay đổi về chính sách của Nga sau bầu cử, đặc biệt liên quan đến xung đột Nga-Ukraine.
Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử tổng thống Nga được cập nhật trên màn hình tại trụ sở Ủy ban Bầu cử trung ương Nga ở Matxcơva, Nga ngày 17/3 - Ảnh: Reuters |
Chung quan điểm này, các chuyên gia Thomas Graham, đến từ Hội đồng Chính sách đối ngoại (Mỹ) hay Sabine Fischer, bộ phận nghiên cứu Á-Âu và Đông Âu tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh (SWP) của Đức, nhấn mạnh đến các số liệu về tỷ lệ cử tri Nga đi bầu và số phiếu dành cho ứng cử viên Vladislav Davankov của đảng “Những con người mới”, người được xem là có các quan điểm thân thiện với phương Tây nhất trong số 4 ƯCV Tổng thống Nga. Nếu xét các tiêu chí đó, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Nga rõ ràng không phải là tin tích cực với phương Tây bởi ngoài tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu và ủng hộ Tổng thống Putin cao kỷ lục, ƯCV Davankov cũng chỉ nhận được 4,02% số phiếu, xếp 3/4 ƯCV.
Thách thức kéo dài
Chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống mang lại nguồn lực chính trị lớn cho Tổng thống Vladimir Putin, củng cố các lựa chọn chính sách gần đây của Nga về an ninh, đối ngoại và kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu sớm tìm được lối thoát chính trị-ngoại giao, điều mà các cử tri Nga quan tâm hơn có lẽ là về việc phát triển kinh tế, duy trì sự ổn định trong nước Nga trong bối cảnh thách thức kéo dài vì các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Đây cũng là một trong những mối bận tâm lớn nhất của các cử tri trẻ tại Nga. Zaurbek Burnatsev, một thanh niên ở Vladikavkaz và tự nhận mình thuộc “thế hệ Putin”, chia sẻ: “Tôi muốn gì ư? Đầu tiên, tôi muốn an ninh và các triển vọng cho tương lai, muốn có sự phát triển và các cơ hội. Như tôi quan sát hiện tại, mọi thứ đã tốt hơn trước kia. Hy vọng mọi thứ sẽ còn được cải thiện nhiều hơn chứ không tệ đi”.
Trong các thông điệp đưa ra trước bầu cử, Tổng thống Vladimir Putin cũng đề cập nhiều đến các kế hoạch phát triển kinh tế. Trong thông điệp hàng năm hôm 29/02, ông Putin ca ngợi sức chống chọi bền bỉ của nền kinh tế Nga trong hơn 2 năm qua, cho biết Nga đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm ngoái (3,6%) cao hơn bất kỳ quốc gia nào trong nhóm nước Công nghiệp phát triển (G7), đồng thời tự tin cho rằng Nga sẽ sớm trở thành 1 trong 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua tương đương (PPP). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dù kinh tế Nga đã tăng trưởng tốt hơn mong đợi trong 2 năm qua nhưng Nga vẫn có nhiều thách thức lớn trước mắt, bao gồm: tỷ lệ lạm phát cao (7,7%); kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thu năng lượng; đẩy nhanh việc thay đổi cơ cấu nền kinh tế để thích ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây và đặc biệt là các rủi ro an ninh nếu xung đột tại Ukraine vượt tầm kiểm soát.