(VOV5) - Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, là “đối tượng” của các cuộc bàn luận, song ông Putin chưa hề khẳng định có tiếp tục tranh cử Tổng thống nữa hay không.
Ngày 10/3 vừa qua, Quốc hội Nga đã thông qua với tỷ lệ ủng hộ áp đảo đề xuất sửa đổi Hiến pháp, mở đường cho đương kim Tổng thống Vladimir Putin có thể lãnh đạo đất nước thêm tối đa 2 nhiệm kỳ 6 năm nữa, tức đến năm 2036. Sự kiện này đã xóa tan những hồ nghi trước đó về vai trò của ông Putin với nước Nga sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống hiện tại (năm 2024), đồng thời cho thấy nước Nga vẫn cần có Putin.
Kết quả bỏ phiếu được thể hiện trên màn hình ở Duma quốc gia - Chụp từ Sputnik |
Với 383 phiếu thuận, 43 phiếu trắng, không có phiếu chống, Hạ viện Nga (tức Duma quốc gia) đã thể hiện sự tán đồng gần như tuyệt đối với đề xuất sửa đổi Hiến pháp do nữ nghị sỹ Valentina Tereshkova của Đảng “Nước Nga Thống nhất" đệ trình. Tiếp đó, Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) cũng đã thông qua đề xuất này với tỷ lệ 160 phiếu thuận, một phiếu chống và 3 phiếu trắng.
Nội dung quan trọng nhất của đề xuất sửa đổi Hiến pháp là xóa bỏ 2 nhiệm kỳ Tổng thống đến thời điểm hiện tại của ông Putin, người đã lãnh đạo nước Nga trong hơn 20 năm qua, đưa nước Nga từ khủng hoảng vươn lên hùng mạnh như ngày nay. Có nghĩa là, số nhiệm kỳ Tổng thống của ông Putin được tính lại từ con số 0, cho phép ông Putin có thể đảm nhiệm thêm tối đa 2 nhiệm kỳ Tổng thống nữa.
Dự thảo sẽ được phê duyệt nếu 2/3 trong số 83 nghị viện khu vực của Nga đồng ý và được đưa ra trưng cầu dân ý toàn quốc vào ngày 22/4 năm nay. Với cục diện hiện nay, tất cả các bước đi này đều được dự báo là sẽ diễn ra một cách dễ dàng theo đúng kịch bản có lợi cho việc Tổng thống Putin tiếp tục lãnh đạo nước Nga, chính thức xóa tan bức màn sương mù về vai trò của ông Putin với nước Nga thời gian tới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Điện Kremlin năm 2019 - Ảnh: AFP |
Vén màn sương mù
Cho tới trước cuộc bỏ phiếu ngày 10/3, đã có rất nhiều đồn đoán và hồ nghi về vai trò, vị thế của ông Putin với nước Nga sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống hiện tại (năm 2024), dù hầu hết đều nhận định rằng ông Putin sẽ vẫn lãnh đạo đất nước theo một cách nào đó. Đặc biệt, khi Tổng thống Vladimir Putin đề xuất sửa Hiến pháp để tăng quyền lực cho Thủ tướng và Quốc hội, đồng thời Thủ tướng Dmitry Medvedev cùng toàn bộ Nội các tuyên bố từ chức hồi giữa tháng 1, nhiều nhà phân tích cho rằng, ông Putin đang tính toán để trở thành Thủ tướng với quyền hành lớn hơn, tương tự như kịch bản đã thực hiện khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ nhất năm 2008.
Bên cạnh đó, một số ý kiến nhận định ông Putin sẽ chuyển sang lãnh đạo Hội đồng Nhà nước (hiện giữ vai trò cơ quan cố vấn của Tổng thống) sau khi tăng cường quyền lực cho cơ quan này, thay vì trở thành Thủ tướng. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng ông Putin có thể đang tìm cách xây dựng một vai trò giống như lãnh đạo tối cao ở trên hoặc song hành với Tổng thống, tương tự như Lãnh tụ tinh thần Tối cao Ayatollah Khamenei ở Iran.
Tuy nhiên, sự mơ hồ về vai trò lãnh đạo nước Nga của ông Putin sau năm 2024, đã được làm sáng tỏ hoàn toàn với sự kiện ngày 10/3. Đó là ông Putin gần như chắc chắn sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Nga trên cương vị Tổng thống. Nhưng điều quan trọng hơn là nó cho thấy nước Nga vẫn còn rất cần tới vị nguyên thủ sắp bước sang tuổi 68 này.
Nước Nga vẫn cần có Putin
Xét trong bối cảnh hiện nay, giới phân tích trong và ngoài nước Nga đều cho rằng, chưa ai có thể thay thế được vai trò lãnh đạo nước Nga của Tổng thống Putin trong ít nhất một thập niên nữa. Đặc biệt, trong bối cảnh nước Nga đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng hiện nay, từ chính sách cô lập và trừng phạt của phương Tây, cho tới những khó khăn lớn về kinh tế do sự suy giảm mạnh giá dầu thô và tác động của đại dịch Covid-19, bối cảnh được nhiều người liên tưởng tới khi ông Putin lên lãnh đạo nước Nga năm 1999, nước Nga đang và sẽ còn rất cần tới vai trò lãnh đạo tối cao của Tổng thống Putin. Nhiều chính khách và nhà phân tích Nga thậm chí khẳng định, chỉ có sự quyết đoán, tài năng và tình yêu vô hạn của Putin dành cho nước Nga, mới có để đảm bảo chắc chắn rằng nước Nga sẽ trụ vững trước mọi thách thức và khó khăn của hôm nay cũng như trong tương lai.
Trong khi đó, nhiều ý kiến kết luận đơn giản hơn rằng, chỉ cần xét về mặt thành quả lãnh đạo đất nước Nga trong hơn 2 thập niên qua, ông Putin hoàn toàn có quyền được tưởng thưởng bất kỳ đặc ân và đặc quyền nào, kể cả việc sửa đổi Hiến pháp để kéo dài quyền lực. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, là “đối tượng” của các cuộc bàn luận, song ông Putin chưa hề khẳng định có tiếp tục tranh cử Tổng thống nữa hay không.