Phán quyết của PCA mở ra triển vọng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông

(VOV5) - Kết quả vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc là một căn cứ quan trọng để các bên liên quan cũng như cộng đồng quốc tế thống nhất cách hiểu về nhiều điều khoản trong Công ước Luật biển của Liên Hợp quốc năm 1982 (UNCLOS). Phán quyết này góp phần khẳng định tinh thần thượng tôn pháp luật, đồng thời là căn cứ pháp lý quan trọng, mở ra triển vọng cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

Phán quyết của PCA mở ra triển vọng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông - ảnh 1
Phiên tranh tụng tại Tòa Trọng tài (Ảnh: PCA)


Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye đã phán quyết nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là PCA khẳng định không có cơ sở pháp lý cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong cái gọi là "đường 9 đoạn" ở Biển Đông. Những lãnh thổ bị Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông không được coi là đảo hiểu theo khái niệm “đảo” trong Công ước Luật biển của Liên hợp quốc, do đó không có quyền đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.


Phán  quyết định của PCA đã được thông qua với sự nhất trí cao nên có thể được coi là một sự giải thích có tính ràng buộc của Luật biển quốc tế. 


Diễn giải 1 loạt khái niệm liên quan đến tranh chấp Biển Đông


Một nội dung quan trọng của phán quyết được dư luận đánh giá rất cao đó là lần đầu tiên một loạt các khái niệm đã được rà soát kỹ lưỡng trên cơ sở công ước LHQ về luật biển năm 1982 (UNCLOS). Theo đó, các cấu trúc trên biển Đông có quy chế khác nhau phụ thuộc vào việc đó là đảo, đá hay là bãi. Theo phán quyết của tòa, nhiều bãi ở Biển Đông đã được Trung Quốc tôn tạo quy mô lớn nhưng Công ước luật biển phân loại các cấu trúc dựa trên điều kiện tự nhiên. Do vậy, không một cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách trên Biển Đông được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Phán quyết của PCA mở ra triển vọng giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông - ảnh 2
Trung Quốc xây dựng công trình trái phép trên quân đảo Trường Sa. (Ảnh: EPA)


Phán quyết này làm sáng tỏ sự đúng, sai của một loạt tranh chấp do việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982  để đưa ra các yêu sách phi lý, vi phạm đến các quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan trong khu vực Biển Đông. TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Bộ Ngoại giao, cho rằng: "Đây là bước tiến rất lớn về pháp lý biển. Lần đầu tiên thế giới có 1 bộ định nghĩa rất rõ ràng thế nào là đảo, đá, áp dụng cụ thể ở Biển Đông. Kết luận của Tòa về vấn đề này đã góp phần giảm đáng kể các tranh chấp . Tôi cho rằng 4 nhóm tranh chấp chính ở biển Đông bao gồm có tranh chấp biển mà chủ yếu do đường lưỡi bò tạo ra, tranh chấp về giải thích luật biển, tranh chấp về thềm lục địa kéo dài, tranh chấp về quyền khai thác tài nguyên đều sẽ giảm đáng kể về diện và quy mô, góp phần quan trọng vào việc đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực."



Theo Tiến sỹ Gerhard Will, chuyên gia cao cấp về chính trị quốc tế, nguyên chuyên viên Viện các vấn đề an ninh và quốc tế (Đức), phán quyết của PCA quan trọng ở chỗ Toà diễn giải luật pháp quốc tế có liên quan đối với tranh chấp trên Biển Đông. Tuyên bố này tác động không chỉ đối với Philippines và Trung Quốc là hai bên tranh chấp, mà còn nhiều quốc gia khác.

Án lệ quan trọng trong giải quyết tranh chấp biển

Theo Giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington (Mỹ), ông Greg Polin, phán quyết của PCA tạo sự khích lệ trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm ở biển Đông. Đây còn là động lực đối với nỗ lực giải quyết các tranh chấp hàng hải bằng biện pháp hòa bình và thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế. Theo ông, với phán quyết của PCA, ít nhất hiện nay đã có khung pháp lý chung để các bên liên quan căn cứ khi đưa ra đòi hỏi của mình. Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới của Chính phủ Việt Nam, cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực góp phần thu hẹp các tranh chấp rất phức tạp trong Biển Đông, tạo tiền lệ pháp lý, khẳng định tính pháp lý đối với các bên tranh chấp trong khu vực để vận dụng phục vụ cho biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế trong bối cảnh hiện nay.


Đối với sự phát triển của luật biển quốc tế nói chung, phán quyết được coi là một án lệ rất quan trọng. Đây là lần đầu tiên một phán quyết của Toà quốc tế phân tích và làm rõ các điều khoản quan trọng của UNCLOS. Vì thế, tác động của phán quyết sẽ là dữ liệu hữu ích để các quốc gia trên thế giới tham khảo trong quá trình áp dụng UNCLOS và luật biển nói chung. TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Bộ Ngoại giao, cho rằng: "Phán quyết của Tòa đã góp phần thượng tôn pháp luật, làm phong phú thêm các án lệ trong quá trình thực tiễn xét xử của Tòa Trọng tài quốc tế, là bước phát triển quan trọng của công pháp quốc tế. Thứ hai, phán quyết đã góp phần làm giảm các diện, loại hình tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp trên Biển Đông.Thứ ba, phán quyết góp phần trang bị cho các nước ở khu vực những lập luận sắc bén, kể cả về lịch sử, pháp lý trong quá trình bảo vệ chủ quyền, đồng thời tăng cường nhận thức chung của các nước ở khu vực cũng như trên thế giới về cách giải thích, áp dụng đối với Luật biển. Cuối cùng đây là bước tiến quan trọng góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới."


Dư luận hoan nghênh và đánh giá cao phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực không phải vì phán quyết này có lợi cho riêng một quốc gia nào mà cái chính ở đây là sự đề cao luật pháp quốc tế. Các quốc gia có trách nhiệm sử dụng nó như là một công cụ hữu ích để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển.

Phản hồi

Các tin/bài khác