Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam với chủ đề "Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển", diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/11 tại Hà Nội, vừa kết thúc tốt đẹp.
Đại hội khẳng định sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong tiến trình xây dựng và đi lên của đất nước qua các thời kỳ; đồng thời nhấn mạnh những nhiệm vụ của Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Các đại biểu dự triển lãm thành tựu Phật giáo Việt Nam. |
Trải qua gần hai nghìn năm du nhập vào Việt Nam, Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo có truyền thống yêu nước với tinh thần “hộ quốc an dân", đã sớm gắn bó với vận mệnh của đất nước, luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình truyền bá tư tưởng giáo lý Phật giáo.
Phật giáo Việt Nam với tinh thần "Hộ quốc an dân"
Điểm lại lịch sử Việt Nam, từ các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đã thể hiện tinh thần tự chủ, độc lập, anh dũng của dân tộc; đồng thời khẳng định tinh thần gắn liền đạo pháp với dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Có thể kể đến các Thiền sư Không Lộ, Vạn Hạnh… đã hết lòng phò Vua giúp nước, xây dựng xã tắc vững bền. Hay như Phật Hoàng Trần Nhân Tông, người từng hai lần khoác chiến bào cùng toàn dân kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, Phật giáo Việt Nam cũng tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Khi đất nước lâm nguy, không ít tu sỹ Phật giáo đã trở thành những chiến sỹ cách mạng, lên đường đánh giặc cứu nước, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
Điểm lại những đóng góp tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định:
"Trong gần 2 ngàn năm gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước. Từ xa xưa, giáo lý Phật giáo đã thấm nhuần trong đời sống của đông đảo người Việt Nam. Giá trị tốt đẹp của Phật giáo đã góp phần hun đúc nên những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhân thời nào Phật giáo cũng có những đóng góp xứng đáng cho việc bảo vệ và xây dựng đất nước, gắn bó với dân tộc để "Hộ quốc an dân".
Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng quá trình phát triển đất nước
Khi đất nước hòa bình, kế thừa truyền thống vẻ vang, Phật giáo Việt Nam tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong thời đại mới với phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết.
Hoạt động của Giáo hội có nhiều điểm sáng với vai trò đặc biệt của sư sãi trong việc vận động quần chúng xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế xã hội ở các địa bàn dân cư. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh:
"Hoạt động an sinh xã hội của Giáo hội tiếp tục được phát triển và mở rộng, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo cho người nghèo, người có công với nước, trẻ mồ côi... Giáo hội quan tâm triển khai nhiều hoạt động ích nước, lợi dân nhằm khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, chủ động tham gia đấu tranh với những âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch. Qua đó khẳng định vị thế và nâng cao uy tín của Giáo hội đối với đất nước và nhân dân; khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước."
Phật giáo Việt Nam hội nhập với hoạt động Phật giáo quốc tế Trong xu thế phát triển, đổi mới và hội nhập toàn cầu của đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động với tinh thần hòa bình và hữu nghị, đoàn kết với các giáo hội Phật giáo trên thế giới để hợp tác hoằng dương chính pháp và góp phần xây dựng, củng cố nền hòa bình cho nhân loại.
Năm năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thể hiện sự chủ động và khẳng định vai trò của mình trong hội nhập quốc tế. Giáo hội đã trở thành thành viên của các tổ chức Phật giáo lớn trên thế giới, thành viên sáng lập Liên minh Phật giáo thế giới tại Ấn Độ, Hội Phật giáo thế giới truyền bá chính pháp, Ủy ban quốc tế đại lễ VESAK Liên hợp quốc tại Thái Lan...
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định trong thời gian tới đó là mở rộng đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Tiếp tục chủ động tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Cùng với đó, kết nối chặt chẽ với các hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết:
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt mục tiêu trong hoạt động đối ngoại quốc tế, đó là ở đâu có cộng đồng người Việt thì mong muốn xây dựng ngôi chùa Việt Nam. Đó phải là ngôi chùa thuần Việt, từ kiến trúc văn hóa, phong tục tập quán cho đến kết nối tâm tư tình cảm để làm sao kết nối mọi người cùng hướng về Tổ quốc".
Có thể thấy sự phát triển của Phật giáo tại các tỉnh, thành tại Việt Nam cũng như nước ngoài được thể hiện trong các tham luận, báo cáo tại Đại hội lần này của các vị chức sắc, tăng ni Phật giáo đã cho thấy hoạt động của Phật giáo tại Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp Trung ương và địa phương.
Qua đó, các chức sắc và tín đồ Phật giáo tại Việt Nam cũng thể hiện sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, khẳng định yên tâm sinh hoạt tôn giáo trên một đất nước ổn định về chính trị; cùng nhau đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, tiếp tục đồng hành và đóng góp vào sự phát triển của đất nước Việt Nam.