Phát huy giá trị của nền độc lập trong thời đại mới

(VOV5) - Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam.

Hôm nay, toàn thể người dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài tưng bừng chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Ngày này cách đây 79 năm (2/9/1945), trong mùa thu lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1945 đã trở thành cột mốc để cả dân tộc Việt Nam chung sức, đồng lòng, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, gìn giữ nền độc lập và xây dựng đất nước trở thành một quốc gia đang phát triển, có uy tín và vị thế vững vàng trên trường quốc tế.

Phát huy giá trị của nền độc lập trong thời đại mới - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: chinhphu.vn

Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, khẳng định giá trị của độc lập tự do, giá trị của quyền dân tộc, quyền con người.

Ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn độc lập

Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chân lý của mọi thời đại, là điều kiện tiên quyết để xây dựng một đất nước phồn vinh, dân tộc phát triển, người dân ấm no, hạnh phúc. Độc lập, tự do của dân tộc là thiêng liêng. Bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc mình đồng thời tôn trọng độc lập, tư do của dân tộc khác là điều kiện để xây dựng một thế giới hòa bình và phát triển. Giáo sư Phạm Hồng Tung, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lập luận chắc chắn giá trị không thể chối bỏ của nền độc lập. Đó là quyền được sống trong tự do, độc lập, quyền được mưu cầu hạnh phúc, như là một giá trị phổ quát đã được Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, Bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ trước đó thừa nhận và toàn nhân loại thừa nhận”.

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, đưa đất nước giữ vững độc lập chủ quyền, xây dựng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Tiến sĩ Nguyễn Đức Quyền, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng:“Bản tuyên ngôn độc lập chính là văn kiện lịch sử, là cơ sở pháp lý để xây dựng một nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu là độc lập, tự do và hạnh phúc. Khát vọng của người Việt Nam là luôn luôn muốn hòa bình và đây chính là một trong những yếu tố để chúng ta hình thành nên một nhà nước của dân, do dân và vì dân”.

Độc lập, tự do luôn là tôn chỉ, mục đích

79 năm đã trôi qua, song giá trị vĩnh hằng của độc lập, tự do luôn là tôn chỉ, mục đích của Nhà nước Việt Nam. Trong giai đoạn phát triển mới, giá trị của độc lập, tự do được thể hiện ở sự độc lập về đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đường lối hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng để xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, ổn định. Độc lập dân tộc còn thể hiện ở chỗ Việt Nam định hướng và xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống song song với việc tiếp thu các giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại. Giá trị của độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc kể từ mùa thu cách mạng được gìn giữ và phát huy, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện và nâng cao; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Để mỗi khi đến ngày Quốc khánh, mỗi người dân Việt Nam lại dâng cảm xúc tự hào. Ông Nguyễn Thanh Quang, một cựu chiến binh tỉnh Đắk Nông, bày tỏ: “Cho đến bây giờ, mỗi khi đón Tết Độc lập, ngồi ngẫm lại thì thấy đất nước mình đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cuộc sống bây giờ nếu so với trước kia thì cải thiện hơn gấp bao nhiêu lần không so sánh nổi”.

79 năm đã trôi qua nhưng những giá trị cốt lõi về độc lập dân tộc của bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn luôn được kế thừa, phát huy trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay. Tại họp báo quốc tế sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: “Phải giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong hoạt động đối ngoại. Lợi ích của quốc gia, dân tộc là trên hết. Chúng ta không phụ thuộc vào ai, không bị lôi kéo vào những xu hướng quốc tế khác. Truyền thống của Việt Nam là nhiều bạn thì tốt, giàu vì bạn, tăng thêm nhiều bạn để tăng thêm sức mạnh, không kể nước lớn nước nhỏ, xa gần”.

Để hiện thực hóa mục tiêu một Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Việt Nam kiên định giữ vững độc lập dân tộc, giá trị cốt lõi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hình trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Đây chính là tiền đề căn bản để đất nước phát triển, vững vàng trước những biến động phức tạp của thế giới hiện nay.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác