Hôm nay, tròn 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu. Đã 65 năm trôi qua nhưng âm hưởng, ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng ấy vẫn còn vang vọng mãi, là động lực và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhân dịp này, Đài TNVN trích giới thiệu bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phát huy tinh thần của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi nêu bật tính đúng đắn khi quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ vào đầu tháng 12 năm 1953 của Bộ chính trị, khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, đã đề ra 4 định hướng chính để tạo nền tảng vững chắc, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tiếp theo.
Thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam. Đây là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung, son sắt của quân, dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Chiến thắng này làm sáng ngời chân lý: Một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, nếu có một Đảng Mác-xít chân chính lãnh đạo, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ, thì nhất định đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù, dù kẻ thù đó mạnh hơn nhiều lần.
Tinh thần của Chiến thắng vĩ đại này được quân và dân Việt Nam tiếp nối, phát huy cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh họa: TTXVN
|
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội
Trên tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng nêu ra 4 định hướng để tạo nền tảng đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Định hướng đầu tiên mà Thủ tướng nhắc tới là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo Thủ tướng, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chống phá cách mạng Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam càng phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Việt Nam cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ của Đảng; lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Trong quá trình thực hiện, Thủ tướng nhấn mạnh phải kiên định các mục tiêu, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; kiên quyết, kiên trì đấu tranh, lấy bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu tối thượng; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng vươn lên của dân tộc Việt Nam. Đây là một yêu cầu vừa cấp thiết, vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với cách mạng Việt Nam.
Theo Thủ tướng, trong thời kỳ mới, phải thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng với phương châm: độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, hướng tới đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương và song phương; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thông qua đó, tận dụng các nguồn lực và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo môi trường hòa bình, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Song song với đó là tập trung xây dựng Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước liêm chính, kiến tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế; tạo mọi thuận lợi để người dân và doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa
Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại. Trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm, biên giới, biển đảo. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Việt Nam cũng cần mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế và đối ngoại về quốc phòng; tăng cường tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Theo Thủ tướng, Việt Nam cần tiếp tục tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, bảo đảm thực sự là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng và lực lượng...
Kết thúc bài viết, Thủ tướng khẳng định kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam chung sức đồng lòng phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.