Phát huy trí tuệ các nhà khoa học trong xây dựng chiến lược phát triển đất nước

(VOV5) - Trong hơn 30 Đổi mới, vị thế của Việt Nam chưa bao giờ cao như hiện nay. Việt Nam trở thành điểm hội tụ, khi nhiều nước muốn trở thành đối tác.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam để lấy ý kiến cho định hướng chiến lược, tầm nhìn 10 năm tới mà Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đang xây dựng, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao việc các chuyên gia nêu nhiều ý kiến tâm huyết, khoa học và đa dạng, không chỉ góp ý về quan điểm phát triển, tư duy phát triển mà cả phương pháp tiếp cận. Đây là cơ sở quan trọng để Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do Thủ tướng đứng đầu, nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới.

Phát huy trí tuệ các nhà khoa học trong xây dựng chiến lược phát triển đất nước - ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam - Ảnh: chinhphu.vn

Buổi làm việc với các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trên nhiều lĩnh vực là việc làm quen thuộc của người đứng đầu Chính phủ trong thời gian qua. Thủ tướng luôn mong muốn lắng nghe các ý kiến đa chiều của các chuyên gia để có tầm nhìn toàn diện trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội.

Những ý kiến tâm huyết 

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030 là văn kiện quan trọng của Tiểu ban Kinh tế Xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong 10 năm tới, Việt Nam tiếp tục hội nhập kinh tế sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ làm thay đổi cả thế giới bên cạnh đó là sự cạnh tranh thương mại cũng diễn ra mạnh mẽ… Ở trong nước, dù Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế nhưng cũng còn không ít các nút thắt như nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, quản trị công chưa thực sự hiệu quả…Vì vậy, theo các chuyên gia, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới và định hướng phát triển xa hơn, Việt Nam cần lựa chọn các mũi nhọn, các trụ cột để thực hiện các mục tiêu của chiến lược thay vì dàn trải.

Cùng với đó là cần có định hướng ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để hiện đại hóa các ngành. Chiến lược phát triển công nghiệp hóa phải gắn với ngành công nghiệp trọng tâm, trọng điểm, có khả năng là động lực cho sự phát triển.  

Nếu muốn sau 10 năm thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi thì tăng trưởng kinh tế phải cao hơn, có thể là khoảng 7,5% liên tục trong 10 năm. Dù khá cao, nhưng các chuyên gia cho rằng mục tiêu này có khả năng đạt được nếu tập trung thực hiện hiệu quả một số trụ cột trọng tâm. Thứ nhất là nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến, hình thành những cụm nông - công nghiệp; thứ hai là khai thác lợi thế kinh tế ven biển; thứ ba là phát triển công nghiệp-du lịch; thứ tư là phát triển kinh tế đô thị.

Để thực hiện các trụ cột này thì cần cải cách đồng bộ thể chế, trong đó, việc quan trọng cần thay đổi là tránh sự trồng chéo trong quản lý Nhà nước. Việc nào chính quyền Trung ương làm thì chính quyền địa phương không làm. Cùng với đó là cần bỏ tư duy cơ cấu phát triển kinh tế theo địa phương mà mà phải là phát triển vùng kinh tế trọng điểm.

Các chuyên gia cũng đều nhất trí về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế đất nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn. Do đó, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội cần tiếp tục nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân để xây dựng thể chế, thúc đẩy khu vực này đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Cầu thị lắng nghe

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ yêu cầu của nhân dân là phải có khát vọng phát triển đất nước mạnh mẽ hơn. Do đó, việc có chiến lược phát triển kinh tế xã hội đúng đắn, khoa học, có tính khả thi cao sẽ giúp đất nước có sự chuyển biến quan trọng, tránh tụt hậu. Ông cũng cho rằng trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, là nước thu nhập trung bình thấp, thời cơ đến không nhiều thì cần đặt ra những khát vọng phát triển.

Phát huy trí tuệ các nhà khoa học trong xây dựng chiến lược phát triển đất nước - ảnh 2

Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại yêu cầu của đất nước trong những năm tới là phải thoát được nguy cơ tụt hậu và thu hẹp được khoảng cách phát triển với các nước. Khát vọng này phải được hiện thực dựa trên trên cơ sở khoa học, để để đất nước có được những thành tựu có ý nghĩa vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm thành lập nước. Chính vì thế, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có thêm các cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn và chân thành với các nhà khoa học và nghiên cứu có uy tín để từ đó có được một tầm nhìn và tư duy phù hợp trong xây dựng Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trong hơn 30 Đổi mới, vị thế của Việt Nam chưa bao giờ cao như hiện nay. Việt Nam trở thành điểm hội tụ, khi nhiều nước muốn trở thành đối tác. Đó là cơ sở để Đảng xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp nhằm đưa đất nước phát triển kinh tế hiệu quả. Việc người đứng đầu Chính phủ lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu góp ý về Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021 – 2030) là cơ hội tận dụng mọi tiềm năng, sự sáng tạo, giúp đất nước nắm bắt được những cơ hội lịch sử đang mở ra phía trước.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác