(VOV5) - Phát thanh đang không ngừng nỗ lực tự đổi mới, phát huy những thế mạnh riêng có của mình, đưa thông tin nhanh, chính xác, tin cậy và đặc biệt là hấp dẫn công chúng.
Ra đời chỉ 5 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, năm 1945, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), trong lịch sử gần 80 năm hình thành và phát triển của mình, luôn tự hào là tiếng nói của lương tri đấu tranh cho khát vọng tự do, độc lập, chung tay dựng xây thế giới hòa bình. Đó cũng chính là thông điệp mà tọa đàm “Phát thanh và Hòa bình” nhân ngày Phát thanh thế giới (13/02) năm 2023 do Đài TNVN tổ chức muốn nhấn mạnh để mỗi người làm báo phát thanh hôm nay thêm tự hào và nhận thức đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trong việc lan tỏa những giá trị nhân văn của loại hình báo chí có bề dày truyền thống này. Từ đó, thúc đẩy sự gắn kết và sẻ chia, đấu tranh chống lại bất công xã hội, giải quyết mâu thuẫn, hướng tới một xã hội hòa bình và nhân ái.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm Ngày Phát thanh thế giới năm 2023 do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 13/2. Ảnh: Đức Anh/VOV5 |
Trên chặng đường gần 80 năm hình thành và phát triển (07/09/1945 – 07/09/2023), Đài Tiếng nói Việt Nam luôn khẳng định vai trò là cơ quan ngôn luận quan trọng hàng đầu của đất nước, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, là nhịp cầu hữu nghị thân thiện, tin cậy nối Việt Nam với bạn bè thế giới. Chính "Tiếng nói Việt Nam" đã tạo lên sức mạnh đại đoàn kết để Việt Nam giành chiến thắng qua các cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tiếng nói Việt Nam - Tiếng nói của lương tri, đấu tranh cho khát vọng hòa bình
Trong những năm tháng chiến tranh, Tiếng nói Việt Nam đã truyền đi những thông tin nóng hổi từ chiến trường; phát thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mỗi dịp đón Giao thừa, động viên quân dân hai miền sản xuất và chiến đấu cho mục tiêu thống nhất đất nước…
Đặc biệt, Đài TNVN đã truyền đi bản Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trang trọng tuyên bố về sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tới toàn thể quốc dân đồng bào trong nước và cộng đồng quốc tế.
Sau Tuyên ngôn Độc lập, làn sóng phát thanh của Đài TNVN còn phát đi nhiều văn kiện, thông báo quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, có thể kể tới, như: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946; văn kiện Hiệp định Paris năm 1973; bản tin Chiến thắng năm 1975… Với nhiều người, thông tin qua Đài Tiếng nói Việt Nam từ lâu đã trở thành hơi thở, thành sự sống, ghi dấu những thời khắc thiêng liêng. Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục kinh tế, Bộ Quốc phòng, không quên cảm xúc nghe Tiếng nói Việt Nam giữa rừng Trường Sơn, trong những năm tháng chiến tranh: “Lúc đó, Đài TNVN là kênh thông tin duy nhất đối với người lính. Cả đơn vị có một cái đài, xúm lại cùng nghe. Nghe ca nhạc, đọc truyện đêm khuya, đặc biệt là tin tức mặt trận, những nội dung đó đã khích lệ chúng tôi rất nhiều. Hay những bài hát trên đài TNVN mang đến tinh thần, khí thế rất lớn cho bộ đội. Chỉ qua Đài TNVN mới truyền tải được cho người lính tất cả tình cảm thiêng liêng nhất”.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN (thứ hai, từ phải sang). Ảnh: Đức Anh/VOV5 |
Hòa bình là khát vọng của nhân dân toàn thế giới, trong đó có người dân Việt Nam. Cùng với dân tộc Việt Nam, Đài TNVN đã có nhiều trải nghiệm quý giá, và từ đó càng trân trọng giá trị của hòa bình. Trên tinh thần ấy, những năm qua, Đài không ngừng phát những chương trình phát thanh để cổ vũ và ca ngợi hòa bình, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn và xây dựng một thế giới hòa bình. Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Đài TNVN, nêu rõ: "Trong bối cảnh thế giới hiện nay, Đài TNVN cũng như các đài phát thanh trên thế giới ngày càng ý thức hơn vai trò của mình. Nếu phát thanh cổ vũ cho tinh thần nhân văn, cho tinh thần khoan hòa, cho nhu cầu hữu nghị, hợp tác và cho khát vọng hòa bình của thế giới, thì phát thanh sẽ góp phần kiến tạo hòa bình trên thế giới và cũng có thể góp phần chấm dứt chiến tranh. Đó là sứ mệnh cao cả mà những người làm phát thanh cần theo đuổi và phụng sự".
Phát thanh luôn nỗ lực đổi mới, khẳng định vị trí trong xã hội thông tin ngày nay
Trong dòng chảy báo chí thế giới, phát thanh nói chung và Đài TNVN nói riêng đang phải chịu những áp lực cạnh tranh trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Tuy nhiên, phát thanh đã và đang không ngừng nỗ lực tự đổi mới, phát huy những thế mạnh riêng có của mình, đưa thông tin nhanh, chính xác, tin cậy và đặc biệt là hấp dẫn công chúng. Lượng thính giả trung thành tăng lên đều đặn cũng là tín hiệu đáng mừng của các đài phát thanh, trong đó có Đài TNVN. Nhà báo Nguyễn Cẩm Thi, Ban Đối ngoại (VOV5), Đài TNVN, cho biết: “Hiện nay, tương tác với thính giả trên các mạng truyền thông hiện đại tăng lên rất nhiều, nhưng đối tượng thính giả trên sóng ngắn vẫn luôn được duy trì từ trước đến nay. Mỗi tuần, mỗi tháng chúng tôi vẫn có những thính giả mới. Điều này cho thấy thính giả nước ngoài vẫn thích nghe sóng ngắn và họ coi đây là một niềm vui khi bắt được làn sóng từ một đất nước rất xa”.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng: “Điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi tư duy. Chúng ta lấy khán giả, lấy người nghe làm mục đích phục vụ và chính nhu cầu đó quyết định về câu chuyện chúng ta phát thanh như thế nào. Tôi luôn nhấn mạnh rằng phát thanh luôn có vai trò hết sức quan trọng trong xã hội của chúng ta. Và khi chúng ta thích nghi được với xã hội, chúng ta sẽ thể hiện tốt hơn vai trò và ý nghĩa của phát thanh. Và chúng ta có một vị trí vững chắc trong xã hội thông tin của ngày hôm nay”.
Cùng với mang những thông tin nhanh nhạy, chính xác, hấp dẫn đến khán thính giả khắp nơi trên thế giới, những năm qua, phát thanh nói chung và Đài TNVN nói riêng đã có những bước chuyển mình đáng kể sau cuộc cách mạng công nghệ số để có thể tiếp cận tới nhiều người hơn, mang mọi người đến gần nhau hơn và thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.