(VOV5) - Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 là bàn về các giải pháp phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế tư nhân.
Ảnh minh họa |
Việt Nam đang hội nhập này càng sâu rộng với kinh tế thế giới nhưng nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức. Khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân, phát triển kinh tế tư nhân là một thách thức sống còn, một yêu cầu cấp thiết với Việt Nam trong thời gian tới.
Kinh tế tư nhân và những đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam
Sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân tăng cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ chỉ có 55.200 doanh nghiệp tư nhân năm 2002, đến năm 2015 Việt Nam đã có hơn 495.000 doanh nghiệp tư nhân, tạo việc làm cho trên 85% lao động trong nền kinh tế. Sự hình thành phát triển của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong các lĩnh vực xây dựng, hàng không, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp…góp phần tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế, mang lại lợi ích cho người dân và đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cùng với đó, đội ngũ doanh nhân của Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Nhìn nhận về sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng: “Doanh nghiệp tư nhân có những điểm mạnh là có nguồn lao động dồi dào đang trong thời kỳ dân số vàng. Đây là những người chịu khó, ham học hỏi, khả năng thích ứng rất nhanh. Doanh nghiệp tư nhân sinh sau đẻ muộn nhưng cũng có lợi thế tốc độ, dù nhỏ nhưng nếu có chiến lược, tư duy tầm nhìn dài hạn vẫn có thể vượt lên. Chính phủ coi trọng kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế”.
Ảnh minh họa |
Tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển
Không thể phủ nhận bước phát triển của khối kinh tế tư nhân, nhưng cũng phải nhìn vào thực tế là khu vực này vẫn còn những hạn chế, yếu kém, khi có đến 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, nhất là khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn hạn chế. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân thua lỗ, phá sản bình quân giai đoạn 2007-2015 lên tới 45%. Ông Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Tín, nêu ý kiến: “Đối với các quốc gia trên thế giới, cứ 1.000 dân có 100 doanh nhân, còn ở Việt Nam 1.000 dân mới có 6 doanh nhân. Trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, cần động viên, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Các thể chế, chính sách phải gần gũi và giúp cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, ví dụ cải cách thủ tục hành chính, gỡ khó về vốn, đất đai, công nghệ, đào tạo nhân lực để kinh tế tư nhân xứng đáng là động lực để phát triển kinh tế đất nước”.
Chuyên gia kinh tế Đào Xuân Sâm, nguyên Chủ nhiệm khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng để phát triển thúc đẩy kinh tế tư nhân, vấn đề lớn nhất là tạo lập đồng bộ thể chế kinh tế thị trường. Có làm được thì mới phát triển được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân. Đây giống như cặp bài trùng, không có thị trường đầy đủ thì không có khu vực kinh tế tư nhân rộng lớn và ngược lại. Theo ông Sâm: “Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu rất cao về phát triển hệ thống doanh nghiệp. Thành công hay không là ở chỗ phải đổi mới chính sách, thể chế để người dân hăng hái khởi nghiệp. Đảng cũng mạnh dạn khai mở mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân. Muốn phát triển kinh tế tư nhân phải giải quyết bài toán cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển sang kinh doanh cạnh tranh. Trong kinh tế thị trường chỉ có kinh doanh cạnh tranh, không thể có doanh nghiệp mà nhà nước bao cấp như hiện nay”.
Mục tiêu Việt Nam đặt ra phát triển 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020. Điều này không dễ dàng, bởi trải qua hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân dù đã rộng lớn hơn nhưng mới có nửa triệu doanh nghiệp. Trong 3 năm nữa quy mô sẽ lớn gấp đôi, mục tiêu này rõ ràng đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi được nhìn nhận và đánh giá đúng hơn về vai trò của kinh tế tư nhân và cần định hướng với các giải pháp cụ thể hơn để phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.