Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi

 (VOV5) - Để phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, một trong những lĩnh vực mang tính đột phá là phát triển nguồn nhân lực. Diễn đàn “Thực trạng nhân lực vùng dân tộc, miền núi đến năm 2020” do Ủy ban Dân tộc và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức, mới đây tại Hà Nội đã đề cập nhiều giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi. 

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, chiếm hơn 14% tổng dân số cả nước. Các dân tộc thiểu số sống tập trung ở miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đang tăng trưởng nhanh và hội nhập vào sự phát triển chung của cả nước, thông qua các chương trình, chính sách dự án của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua như Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống; Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện đặc biệt khó khăn trong cả nước; Chương trình xây dựng nông thôn mới… Tuy nhiên, năng lực nội sinh của vùng dân tộc thiểu số và các dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đáp ứng được những thay đổi nhanh và mạnh của nền kinh tế thị trường, trong đó gốc rễ là do giáo dục và đạo tạo lao động ở vùng này còn hạn chế về số lượng và chất lượng so với mức trung bình ở địa phương. Do đó, đào tạo, phát triển nhân lực vùng dân tộc thiểu số, miền núi được Đảng và Nhà nước Việt Nam coi là một đặc thù trong chính sách tổng thể đối với vùng dân tộc, miền núi. Ủy ban dân tộc đã có kế hoạch xây dựng Chiến lược phát triển toàn diện nguồn nhân lực cho các dân tộc thiểu số kể cả về thể lực, trí lực và tâm lực. Trong đó, coi giáo dục là khâu đột phá trong phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi. Để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc Ủy ban dân tộc miền núi sẽ thành lập Học viện Dân tộc nhằm đào tạo học sinh người dân tộc thiểu số, cán bộ công tác ở vùng dân tộc, miền núi. Dịch vụ y tế công, chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng là yếu tố quan trọng góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Theo ông K’sor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc, miền núi để làm cơ sở phát triển nguồn nhân lực: “Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo địa phương, vùng cần tiến hành quy hoạch phát triển nguồn nhân lực có định hướng, lộ trình và bước đi phù hợp, phân bổ, bố trí sắp xếp hệ thống mạng giáo dục từ mầm non đến bậc phổ thông, các trường chuyên biệt, các trường đào tạo nghề, cao đẳng, đại học. Chú trọng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng cơ cấu nghề nghiệp, có chính sách ưu tiên đào tạo nhân tài cho các dân tộc thiểu số.”

Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc, miền núi - ảnh 1
Ảnh chụp tại huyện Mường Nhé, Điện Biên. (Nguon: baotintuc)


Để phát triển nguồn nhân lực nhanh, chất lượng và bền vững, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ từ Trung ương, các địa phương vùng đồng bào dân tộc, miền núi phải phát huy tính tự lực, chủ động, vươn lên. Các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch nguồn nhân lực từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề, phát triển mạng lưới cơ sở đầo tạo nghề ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là thanh niên, thực hiện các chương trình, biện pháp, chính sách về chế độ lương bổng, đãi ngộ, cơ hội thăng tiến… để thu hút nguồn nhân lực. Theo Tiến sĩ Phan Văn Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc, phát triển nguồn nhân lực phải đặc biệt chú trọng công tác đào tạo cán bộ: “Phải coi phát triển nguồn nhân lực là đầu tư phát triển bền vững trong tương lai. Chúng ta phải có một chương trình đào tạo trí thức nhân tài trong thời gian tới, làm sao mỗi dân tộc đều có những trí thức để dẫn dắt dân tộc mình phát triển. Phải có một chương trình đưa các thanh niên ưu tú dân tộc thiểu số đi học tập ở nước ngoài, tiếp cận được công nghệ mới, kiến thức mới chứ không chỉ học ở trong nước”.


Hiện nay, nguồn nhân lực ở vùng dân tộc, miền núi còn thiếu và có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, miền. Vì vậy, chính sách phát triển nhân lực đối với vùng đồng bào dân tộc, miền núi nên phù hợp với thực tế từng vùng, miền. Bà Lê Thị Thanh Huyền, cán bộ Chương trình phát triển dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam , cho rằng: “Các chính sách phải đặc thù cho từng vùng và đặc thù cho từng nhóm dân tộc. Ưu tiên giải quyết nhân lực tại chỗ là quan trọng nhất. Để có sự đột phá trong chính sách đồng bào dân tộc thiểu số nên chăng Chính phủ xem xét thành lập một Uỷ ban quốc gia về vấn đề dân tộc miền núi để điều hành chung bởi vì thế mới đảm bảo phối kết hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa tất cả các bộ, ban, ngành”.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc, miền núi là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Ủy ban Dân tộc sẽ chủ trì xây dựng dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc, miền núi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới đây. Nhiệm vụ của các nghành, các cấp là triển khai kế hoạch, biện pháp giải quyết hiệu quả những vấn đề cấp bách, lâu dài, tạo sự chuyển biến thật sự mạnh mẽ trong việc khai thác, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ở vùng dân tộc, miền núi./.

 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác