(VOV5) - Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định giai đoạn 2021-2025 đang được Việt Nam thúc đẩy tiến độ thực hiện. Bên lề Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xóa bỏ lao động trẻ em vừa diễn ra ngày 15/5/2022 tại thành phố Durban, Nam Phi, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong "cuộc chiến" chống lao động trẻ em trái quy định trên toàn cầu, cho rằng Việt Nam đang chung tay và tình nguyện thực hiện những nỗ lực đặc biệt nhằm xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em trái quy định.
Các đại biểu truyền tải thông điệp phòng ngừa lao động trẻ em trong cuộc Hội thảo quốc tế về các cam kết quốc tế liên quan đến phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em diễn ra tại Hà Nội ngày 27/5/2022 - Ảnh: VGP/ Thu Cúc |
Tổ chức Lao động quốc tế ILO cho biết lao động trẻ em trái quy định là vấn đề mang tính toàn cầu. Năm 2020, toàn thế giới có 160 triệu trẻ em phải tham gia lao động, trong đó có 79 triệu em đang làm những công việc nguy hiểm. Theo tính toán, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lao động trẻ em trên toàn thế giới sẽ tăng lên thêm 8,9 triệu vào năm 2022. Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2018, lao động trẻ em từ 5 - 17 là 1.031.944 em (chiếm 5,4% tổng số trẻ em trong độ tuổi này), thấp hơn so với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu ở năm 2016. Công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, lao động trẻ em có nguy cơ tăng trở lại.
Trong những năm qua, công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quan tâm đầu tư. Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhất quyền của trẻ em. Theo đó, Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc. Cùng với đó, Việt Nam đã cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế, bao gồm xóa bỏ lao động trẻ em, theo yêu cầu của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết thời gian qua.
Trong diễn biến mới nhất, Việt Nam đang nỗ lực triển khai Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Mục tiêu chính của Chương trình là: Giảm tỉ lệ lao động trẻ em từ 5-17 tuổi xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030; Nâng cao nhận thức và năng lực về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của gia đình trẻ em và các bên có liên quan gồm: cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, nhất là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh trong các làng nghề. Chương trình cũng tập trung vào các giải pháp tăng cường phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em ở các cấp, các ngành, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thu công nghiệp, dịch vụ và trong các chuỗi cung ứng.
Trước đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua việc thực hiện Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã thu được kết quả đáng ghi nhận: Hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến lao động trẻ em ngày càng hoàn thiện; Công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ ngành, đoàn thể; Quy trình hỗ trợ can thiệp lao động trẻ em được xây dựng và phổ biến trên toàn quốc; năng lực triển khai công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của các cấp, ngành được nâng cao; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về lao động trẻ em được quan tâm thực hiện; Việt Nam đã tăng cường hội nhập quốc tế trong công tác phòng ngừa lao động trẻ em và trở thành một trong 26 quốc gia tiên phong tham gia liên minh 8.7. (Liên minh toàn cầu của các chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và tổ chức quốc tế nhằm chống lại lao động trẻ em và lao động cưỡng bức).
Việc Việt Nam đã và đang triển khai Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đóng vai trò quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, thực hiện các cam kết quốc tế về quyền trẻ em, về phòng, chống lao động trẻ em và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Những nỗ lực này là minh chứng cho các cam kết của Việt Nam với tư cách là quốc gia tiên phong của Liên minh toàn cầu 8.7 đóng góp và thực hiện lộ trình của cộng đồng thế giới hướng tới thực hiện mục tiêu SDG 8.7.