(VOV5) - Quân đội Việt Nam tham gia chống dịch Covid-19 cũng là thông lệ quốc tế trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 đang lây lan khắp toàn cầu.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Quân đội nhân dân Việt Nam đang là lực lượng quan trọng tham gia phòng chống dịch Covid 19 trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam. Song đó đây lại có những hoài nghi về mục đích của trận chiến vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, sức khỏe, tính mạng của người dân này. Xuyên tạc sự thật trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực cùng nhân dân miền Nam ruột thịt đẩy lùi dịch bệnh thực sự là những luận điệu độc ác và phi nhân tính.
Lễ tiễn đoàn Quân y tăng cường cho tuyến đầu chống dịch - Ảnh: VOV |
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tăng cường các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, từ ngày 20/8/2021, nhiều lượt cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, đội ngũ y, bác sỹ ở mọi miền Tổ quốc đã gấp rút chi viện cho các tỉnh phía Nam. Hình ảnh các chiến sĩ quân đội, công an, dân quân cùng các lực lượng khác cùng nhau phân phát lương thực, thực phẩm cho người dân, hỗ trợ người dân điều trị covid tại nhà, tham gia đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội... thực sự đã thành điểm tựa tinh thần lớn đối với người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Đối với lực lượng quân đội, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách vì cuộc sống nhân dân là hoạt động hết sức bình thường. Bắt nguồn từ lịch sử và chiều sâu văn hóa, quân đội Việt Nam có truyền thống gắn bó mật thiết với nhân dân. Mối quan hệ keo sơn, gắn bó này được bồi đắp và hun đúc qua quá trình lịch sử. Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh, nên tình quân dân được ví như cá với nước. Vì thế, quân đội không những chỉ làm nhiệm vụ chính yếu của mình là huấn luyện, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà còn thường xuyên giúp đỡ nhân dân khi nhân dân đối mặt với thiên tai, thảm họa. Hình ảnh quân đội gặt lúa giúp dân trong bão lũ, sơ tán người dân đến các điểm an toàn trong mưa bão, tìm kiếm người dân gặp nạn, mất tích rất quen thuộc ở Việt Nam. Việc quân đội tham gia phòng, chống dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam lần này chính là sự tiếp nối của tinh thần gắn bó mật thiết giữa quân và dân Việt Nam trong lịch sử.
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã và đang trải qua giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 vô cùng phức tạp kể từ đầu tháng 5/2021 đến nay. Tất cả các cơ quan của hệ thống chính trị với người dân đều đang đối diện với những khó khăn chồng chất. Các lực lượng tuyến đầu ở thành phố và các tỉnh đã và đang làm việc hết sức mình không quản ngày đêm. Mệnh lệnh sống còn trong lúc này là phải quyết khống chế được dịch bệnh. Đó không chỉ là quyết tâm và mục tiêu cao nhất của thành phố Hồ Chí Minh, của các tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, mà còn là nhiệm vụ của cả đất nước. Vì vậy, quyết định đưa quân đội cùng phối hợp cùng các lực lượng chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giãn cách xã hội, khống chế dịch bệnh, ngăn ngừa những yếu tố bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là vô cùng đúng đắn và cần thiết. Cùng với đội ngũ y bác sỹ, thầy thuốc, không lực lượng nào chuyên nghiệp và hiệu quả hơn quân đội khi thực thi nhiệm vụ này. Bởi, ngay từ giai đoạn đầu dịch bùng phát, lực lượng quân đội đã là đội quân nòng cốt trong công tác phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam. Đến nay, quân đội đã và đang đảm đương hàng loạt nhiệm vụ, từ kiểm soát biên giới, vận hành các khu cách ly tập trung, thực hiện khử khuẩn, tiến hành công tác hậu cần, tổ chức xét nghiệm và tiêm vaccine cho người dân, cho tới sàng lọc, điều trị và cả hỗ trợ hậu sự cho bệnh nhân tử vong.
Bộ đội gửi tặng nhu yếu phẩm cho gia đình neo đơn khó khăn tại phường Tân Quy, Quận 7, TP Hồ Chí Minh - Ảnh: VOV |
Quân đội Việt Nam tham gia chống dịch Covid-19 cũng là thông lệ quốc tế trong bối cảnh đại dịch Covid – 19 đang lây lan khắp toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang huy động quân đội tham gia ứng phó với sự bùng phát của dịch Covid-19. Hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch của các lực lượng này rất đa dạng, từ giúp thực thi biện pháp chống dịch, tổ chức hậu cần, cấp phát lương thực và thuốc men cho người dân, trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân, duy trì trật tự công cộng, đảm bảo người dân tuân thủ những biện pháp hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội của chính quyền. Ngoài ra, quân đội nhiều nước còn triển khai lực lượng hậu cần để hỗ trợ mua sắm, sản xuất, bảo quản, vận chuyển, phân phối những vật tư thiết yếu, bao gồm đồ bảo hộ cá nhân, máy thở và oxy. Nhiều đơn vị quân đội thậm chí đảm nhiệm cả việc xét nghiệm Sars-CoV-2 lưu động, sàng lọc và trực tiếp điều trị bệnh nhân.
Điển hình như tại Trung Quốc, khoảng 10.000 quân y đã được huy động và triển khai theo các đợt khác nhau để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 khi dịch bệnh bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Tại Hàn Quốc, quân đội cũng đóng vai trò hỗ trợ đắc lực trong quá trình kiểm soát đại dịch.Tại Anh, Bộ Quốc phòng nước này hồi đầu năm nay khẳng định phản ứng của quân đội với dịch Covid-19 đã trở thành chiến dịch quân sự trong nước lớn nhất trong thời bình, với hơn 5.000 quân nhân tham gia chương trình tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19, xét nghiệm diện rộng và những hoạt động hậu cần khác. Còn tại Ấn Độ, hồi đầu tháng 5 vừa qua, nước này đã thành lập Đơn vị Quản lý Covid-19 do Phó tham mưu trưởng Lục quân trực tiếp giám sát, nhằm điều phối các hoạt động hỗ trợ nhân sự và hậu cần, phối hợp với những cơ quan dân sự liên quan.
Dù quy mô và mức độ triển khai cũng như hoạt động hỗ trợ khác nhau, song quân đội nhiều nước, trong đó có quân đội nhân dân Việt Nam, đang giúp mang lại những khả năng quan trọng, bao gồm lên kế hoạch xử lý khủng hoảng, chỉ đạo và kiểm soát, hỗ trợ hậu cần và y tế chuyên khoa trong đại dịch Covid-19. Do đó, xuyên tạc sự vào cuộc của quân đội trong phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, thực sự là hành động xuất phát từ cái nhìn thiển cận, thù địch, thậm chí là cái tâm phi nhân tính, độc ác với con người.