(VOV5) - Quan hệ giữa Washington và Ankara đang đứng trước sóng gió mới khi Ankara không chịu nhượng bộ trong việc thả linh mục người Mỹ Andrew Brunson, người bị Ankara cáo buộc phạm tội khủng bố và gián điệp.
Những động thái trừng phạt đầu tiên đã được Nhà Trắng đưa ra tuy nhiên đây không phải là cách hiệu quả để giải quyết xung đột trong quan hệ song phương.
Nhân vật chính gây ra bất đồng giữa 2 quốc gia là linh mục Andrew Brunson, người đã làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 20 năm, bị bắt giữ hồi tháng 10/2016 tại miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ và bị đưa ra xét xử sau hơn 1 năm rưỡi bị giam giữ. Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc linh mục Brunson giúp đỡ tổ chức của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, nhân vật mà chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính quân sự bất thành năm 2016 và hiện sống lưu vong ở Mỹ. Ngày 25.7 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển linh mục Brunson sang chịu sự quản thúc tại gia, sau 21 tháng giam giữ. Nhưng Washington vẫn tiếp tục yêu cầu Ankara trả tự do cho linh mục.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sanders chỉ trích quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ linh mục Brunson. Ảnh: Reuters. |
Trừng phạt
Sau nhiều lần thương thảo bất thành, kể cả áp dụng các kênh ngoại giao, ngày 1/8, phía Mỹ đưa ra thông báo trừng phạt đầu tiên nhắm vào 2 quan chức Thổ Nhĩ Kỳ là Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu. Các lệnh trừng phạt được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây được đánh giá là lệnh trừng phạt chưa từng có mà Washington dành cho Ankara. Giới quan sát cho rằng biện pháp này chỉ khiến mối quan hệ giữa hai đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở nên tồi tệ.
Trước khi tiến hành lệnh trừng phạt, phía Mỹ cũng đã bóng gió đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai cảnh báo sẽ áp đặt "các biện pháp trừng phạt lớn" nếu không thả linh mục Brunson. Tuy nhiên những gì Mỹ nhận được là cái lắc đầu từ phía Ankara. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố ngôn ngữ đe dọa của Mỹ sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không nhượng bộ liên quan tới tính độc lập của tòa án. Mỹ chớ quên rằng họ nên thay đổi thái độ, nếu không muốn mất đi một đồng minh mạnh và chân thành như Thổ Nhĩ Kỳ.
Mâu thuẫn từ lâu
Sở dĩ vụ bắt giữ nhà truyền giáo Bruson khiến chính quyền Trump hành động mạnh tay không chỉ vì đây là công dân Mỹ mà còn vì các tín đồ Cơ đốc giáo, nhóm cử tri quan trọng ủng hộ Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên có lẽ vụ việc liên quan tới linh mục Brunson chỉ là phần nổi trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Nói vậy vì vài năm gần đây, quan hệ giữa hai đồng minh NATO đã xuất hiện nhiều rạn nứt. Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng khi Mỹ hỗ trợ nhóm vũ trang người Kurd YPG ở Syria trong khi mục tiêu hàng đầu của Ankara ở Syria là ngăn chặn YPG thành lập vùng tự trị người Kurd ngay sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ song phương trở nên căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự qua biên giới nhằm đẩy lùi lực lượng YGP ở vùng Afrin, tây bắc Syria. Ankara còn cảnh báo mở rộng chiến dịch theo hướng đông, sang vùng Manbij, nơi các tay súng YPG và Lực lượng đặc biệt của Mỹ đóng quân, đe dọa nguy cơ xảy ra đối đầu giữa các lực lượng Mỹ - Thổ. Thêm vào đó, việc Washington từ chối yêu cầu của Ankara dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, đang sống lưu vong ở bang Pennsylvania (Mỹ) cũng làm xói mòn quan hệ giữa hai bên.
Mỹ có vẻ đang có lợi thế trong vụ việc ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ thả linh mục Andrew Brunson song rạn nứt với đồng minh chiến lược Thổ Nhĩ Kỳ không có lợi cho Mỹ, bởi sẽ làm phức tạp hóa nỗ lực theo đuổi các mục tiêu của Mỹ trong khu vực.
Dự kiến Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sẽ tiến hành đối thoại với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, bên lề hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Singapore diễn ra từ ngày 1-4/8. Đây sẽ là cơ hội để 2 bên có thể hạ nhiệt căng thẳng vì suy cho cùng về lâu dài trừng phạt chỉ khoét sâu thêm bất đồng giữa 2 quốc gia.