(VOV5)- Ngày 20/7 vừa qua đánh dấu một trang mới trong lịch sử quan hệ giữa Mỹ và Cuba khi lần đầu tiên sau 54 năm, quốc kỳ Cuba tung bay trước cửa tòa đại sứ quán nước này ở thủ đô Washington. Gần như cùng thời điểm đó, tại La Habana, tấm biển đồng mang tên “Phòng Đại diện Quyền lợi Mỹ” cũng được gỡ xuống và thay thế bằng “Đại sứ quán Mỹ”. Việc chính thức mở cửa trở lại các đại sứ quán tại Washington và La Habana đánh dấu cột mốc trong quan hệ song phương và quốc tế.
|
Quốc kỳ Cuba tung bay trước Đại sứ quán Cuba mới chính thức mở lại tại thủ đô Washington (Mỹ) ngày 20.7 - Ảnh: AFP |
Sáng 20/7 đã trở thành thời khắc lịch sử khi lá cờ Cuba được kéo lên trước cửa tòa nhà đại sứ quán mới được nâng cấp của La Habana ở Washington. Lễ thượng cờ diễn ra với sự tham dự của gần 5000 quan khách trong đó có nhiều lãnh đạo cấp cao hai nước. Trong khi đó, cùng ngày tại La Habana, Đại sứ quán Mỹ cũng được mở cửa trở lại nhưng lễ thượng cờ được hai bên thống nhất lùi lại vào tháng sau, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới thăm Cuba.
Với bước đi biểu tượng và mang tính quyết định trên, có thể thấy tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba đã đã đi tới những chặng cuối. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong quan hệ giữa hai nước mà còn với đời sống chính trị quốc tế, một minh chứng về sự hóa giải thành công mối quan hệ thù địch và đối đầu kéo dài trở thành đối tác đối thoại vì hòa bình và phát triển, phù hợp xu thế thời đại.
Thất bại của một chính sách lạc hậu
Dư luận quốc tế, nhất là khu vực Mỹ Latinh và công chúng yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đều dành nhiều từ ngữ tốt đẹp cho sự kiện này, coi đây là thời điểm ghi dấu việc xóa bỏ một trong những dấu tích còn sót lại của thời Chiến tranh lạnh.
Bởi thực tế, quan hệ Cuba - Mỹ hàng chục năm qua luôn là tâm điểm trong quan hệ quốc tế. Chính sách thù địch, bao vây cấm vận kéo dài đã cản trợ sự phát triển của quốc đảo vùng Caribe, trở thành nỗi ám ảnh nặng nề tâm trí nhiều thế hệ người dân hai nước. Tuy nhiên, hơn 5 thập niên qua, bất chấp sự bao vây, cấm vận của chính quyền Mỹ, nhân dân Cuba yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý vẫn đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba đứng đầu là Lãnh tụ Fidel Catro và Chủ tịch Raul Catro. Đảng, Nhà nước và người dân Cuba đã kiên cường vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và đưa đất nước tiếp tục tiến theo con đường đã chọn. Điều đó cho thấy chính sách thù địch của Mỹ nhằm cô lập Cuba trên thực tế không mang lại tác dụng như Washington lúc đầu mong muốn. Thậm chí còn gây tác dụng ngược và ngày càng tỏ rõ sự lạc hậu trong đời sống quốc tế đương đại.
|
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez (trái) bắt tay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) trong buổi họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20.7 - Ảnh: Reuters |
Khi mới lên nắm quyền năm 2008, chính Tổng thống Obama đã thừa nhận chính sách cấm vận của Mỹ chống Cuba trong nhiều thập niên qua không đạt mục tiêu mà Washington mong đợi. Vị Tổng thống cấp tiến này còn bày tỏ sẵn sàng đối thoại với La Habana để cải thiện quan hệ song phương. Cùng với chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ B.Obama, các chính sách đổi mới cải cách mạnh mẽ ở Cuba và sự tác động, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, hai nước đã có động lực mạnh mẽ gạt bỏ sự thù địch, đối đầu để cùng hợp tác phát triển công bằng.
Còn nhiều khó khăn phía trước
Có thể khẳng định lịch sử quan hệ Mỹ-Cuba đã sang trang mới sau ngày 20/7. Tuy nhiên, cả hai nước đều hết sức thận trọng khi nhấn mạnh rằng tất cả mới chỉ là khởi đầu. Việc vượt qua nhiều thập kỷ thù địch với không ít đau thương là điều không đơn giản. Từ bình thường hóa rồi đi tới dỡ bỏ bao vây cấm vận, đó là quá trình nhiều chông gai và phức tạp. “Nút thắt” lớn nhất ở đây chính là Quốc hội Mỹ. Bởi luật cấm vận đã được Quốc hội Mỹ thông qua, thì giờ đây, muốn dỡ bỏ, cần phải có sự thông qua của Quốc hội. Khó khăn nhất lúc này chính là việc Tổng thống Obama chỉ còn có 2 năm nữa sẽ hết nhiệm kỳ và liệu ông B.Obama có chạy đua kịp với thời gian để vượt qua cửa ải khó khăn này khi Đảng Cộng hòa đang chiếm đa số cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, với việc thực hiện chính sách đối ngoại thời gian gần đây của chính quyền Mỹ, trong đó có việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố, một điều kiện tiên quyết trong tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ ngoại giao, người dân Cuba và Mỹ đã có thể lạc quan về tiến triển quan hệ hai nước những ngày sắp tới. Tất nhiên sẽ vẫn còn nhiều khó khăn bởi bước đi bao vây cấm vận Cuba như thế nào, thì bước tháo gỡ “nút thắt” cũng sẽ diễn ra tuần tự chứ không thể nhanh và có những bước đột biến bất thường được.
Việc Mỹ và Cuba khôi phục quan hệ ngoại giao không chỉ chính thức khép lại chương cuối của câu chuyện Chiến tranh Lạnh vốn chia tách thế giới thành hai phe, mà còn mở ra chương mới cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới. Hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh, hai dân tộc khác biệt hoàn toàn về lý tưởng, hai quốc gia đứng đầu hai khối tư tưởng đối lập, khôi phục quan hệ sau hơn nửa thế kỷ băng giá đã truyền đi một thông điệp lịch sử mạnh mẽ. Đó là đối thoại thay cho đối đầu, chung sống hòa bình và tôn trọng sự khác biệt của nhau là xu thế chung và là dòng chảy chính của thời đại.