Quan hệ Nga -Trung và những toan tính lợi ích chiến lược

(VOV5) - Nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường,  ngày 22/10, Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong 3 ngày. Chuyến thăm của người đứng đầu chính phủ Nga không chỉ nhằm mục đích thắt chặt quan hệ hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực, mà còn phản ánh rõ rệt sự thay đổi về địa-chính trị khu vực thời gian gần đây, và ẩn chứa sau đó là toan tính lợi ích chiến lược của mỗi bên.

Quan hệ Nga -Trung và những toan tính lợi ích chiến lược - ảnh 1
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Medvedev sẽ thắt chặt thêm mối quan hệ tốt đẹp Nga - Trung (Ảnh: inquirier)


Trọng tâm của chuyến đi, theo thông tin từ phía Bộ ngoại giao Nga, là cuộc gặp thường kỳ lần thứ 18 giữa hai Thủ tướng tại thủ đô Bắc Kinh. Cuộc đàm phán của hai nhà lãnh đạo tập trung vào một loạt các vấn đề thương mại song phương, hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, quốc phòng.

Nỗ lực cải thiện quan hệ song phương

Mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh thời gian gần đây không ngừng được cải thiện. Các chuyến viếng thăm, gặp gỡ cấp cao song phương liên tục diễn ra. Còn nhớ, ngay sau khi tái cử Tổng thống LB Nga, ông V.Putin đã thực hiện chuyến thăm người ngoài đầu tiên tới Bắc Kinh. Ngược lại, ông Tập Cận Bình cũng chọn Moscow làm điểm đến cho chuyến xuất ngoại đầu tiên của mình trên cương vị Chủ tịch nước. Trước cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ở Bali, Indonesia hồi tháng trước, cả hai bên đã không tiếc lời ca ngợi mối quan hệ song phương, dành cho nhau những mỹ từ tốt đẹp. Trong khi Tổng thống V.Putin mô tả mối quan hệ hiện tại với Trung Quốc “là tốt nhất” thì thông điệp ngoại giao của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc trước khi thực hiện chuyến công du tới Moscow là quyết tâm hướng tới “quan hệ đối tác chiến lược”. Hai bên cũng nhất trí lấy năm 2013 là “Năm du lịch Trung Quốc” và năm 2014-2015 tập trung vào giao lưu thanh niên.

Trong lĩnh vực kinh tế, hai bên đều khẳng định thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Nga-Trung là ưu tiên hàng đầu. Theo thống kê, thương mại Nga-Trung năm 2012 đạt gần 88 tỷ USD, chỉ thấp hơn chút ít so với doanh thu của hai quốc gia với đối tác thương mại lớn nhất là Châu Âu. Trong lĩnh vực đầu tư thương mại, hoạt động khai thác dầu khí hai nước đã có những tiến triển vượt trội, đáng kể là thỏa thuận mới đạt được trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình giữa Công ty dầu lửa Rosneft của Nga và Tập đoàn năng lượng quốc doanh CNPC của Trung Quốc trị giá hơn 260 tỷ USD. Theo đó, lượng dầu lửa mà Moscow cung cấp cho Bắc Kinh sẽ tăng gấp đôi.

Ngoài ra, trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, hồi tháng 6, Nga và Trung Quốc đã ký kết hợp đồng mua bán vũ khí chiến lược, theo đó Nga đồng ý bán cho Trung Quốc 24 máy bay chiến đấu đa năng Su-35S và 4 tầu ngầm lớp Lada. Mới đây, hai quốc gia lần đầu tiên tổ chức cuộc tập trận chưa từng có cả trên biển và trên đất liền.

Tạm gác bất đồng, xích lại gần nhau

Tuy nhiên, theo nhận định của những nhà quan sát, nếu nhìn vào bản chất sâu xa vấn đề, quan hệ Nga-Trung vẫn ở trong tình cảnh “bằng mặt mà chẳng bằng lòng”. Thận trọng, dè chừng vẫn là gam mầu chủ đạo trong quan hệ Bắc Kinh-Moscow.


Dù đồng ý thỏa thuận mua bán cung cấp vũ khí tối tân cho Trung Quốc nhưng Nga luôn quan ngại Bắc Kinh có thể học hỏi các công nghệ để cho ra mắt các sản phẩm nội địa, lo ngại Bắc Kinh cạnh tranh trong thị trường vũ khí toàn cầu. Lo ngại này cơ sở hơn khi Trung Quốc, vốn là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới, lại lọt vào top 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí trong năm 2012, dù thị phần chỉ chiếm khiêm tốn 5%, so với 26% của Nga. Chính vì vậy, trong thỏa thuận mua bán 24 chiến đấu cơ Su-35S và 4 tầu ngầm lớp Lada ký kết hồi tháng 3/2013 trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phía Nga cũng nêu rõ các vũ khí này chuyển giao cho Trung Quốc sẽ ở dạng nguyên chiếc và không có điều khoản cung cấp giấy phép lắp ráp nội địa. Thêm vào đó, dù có chung quan điểm với nhau về một số vấn đề nóng trên thế giới nhưng trước một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, một mặt vừa giữ mối quan hệ thâm tình, mặt khác phải đối phó với tham vọng siêu cường của Bắc Kinh là quan tâm của Moscow hiện nay. Một yếu tố khác không thể không nhắc tới là những bất đồng giữa đôi bên trong vấn đề với Nhật Bản liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tuy cả hai bên đều có tranh cãi chủ quyền với Tokyo nhưng lợi ích lại rất khác nhau. Trong khi Bắc Kinh muốn Nga ủng hộ tuyên bố của chủ quyền của họ với quần đảo Sensaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, còn Moscow dù đã kiểm soát được quần đảo Kuri nhưng gần đây lại rất chú trọng cải thiện quan hệ với Nhật.

Giới phân tích cho rằng sở dĩ hai bên đang tạm gác những bất đồng để xích lại gần nhau do những biến chuyển về mặt địa chính trị phát sinh, trong đó đáng chú ý là chiến lược “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nga D.Medvedev chắc chắn sẽ làm cân bằng trục quan hệ kinh tế-quốc phòng giữa 3 quốc gia này./.


Phản hồi

Các tin/bài khác