Quan hệ Trung - Ấn: còn đó những rào cản

(VOV5) – Ngày 17/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Ấn Độ kể từ khi nhậm chức. Chuyến thăm là cơ hội để 2 quốc gia láng giềng thúc đẩy hợp tác kinh tế nhưng chưa thể thu hẹp những bất đồng vốn tồn tại  trong quan hệ song phương.     

Quan hệ Trung - Ấn: còn đó những rào cản - ảnh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Điểm dừng chân đầu tiên của ông Tập Cận Bình trong chuyến  thăm Ấn Độ không phải là thủ đô New Delhi mà là bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Thủ tướng Ấn Độ đón Chủ tịch Trung Quốc tại đây trước khi diễn ra hội đàm và các chương trình làm việc chính tại thủ đô New Delhi trong 2 ngày tiếp theo.

 

Kinh tế là trọng tâm chính của chuyến thăm
Theo báo “The Hindu”, trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên dự kiến sẽ ký khoảng 20 thỏa thuận và bản ghi nhớ (MoU), trong đó có các thỏa thuận liên quan đến phát triển hạ tầng, thành lập các thành phố công nghiệp và hợp tác văn hóa. Bên cạnh đó, vấn đề mất cân bằng thương mại, đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Ấn Độ cũng sẽ được thảo luận.

 

Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Mumbai Liu Youfa cho biết trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ cam kết đầu tư 100 tỷ USD vào Ấn Độ, gấp 3 lần số vốn đầu tư mà Nhật Bản cam kết trong chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Modi mới đây. Các khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ được dành để thành lập các khu công nghiệp, hiện đại hóa đường sắt, đường cao tốc, hải cảng, truyền tải điện, chế biến thực phẩm và công nghiệp dệt. Trung Quốc cũng đang tích cực xem xét đầu tư vào các kế hoạch tham vọng của Ấn Độ trong việc xây dựng các đường sắt cao tốc.

 

Để triển khai ký kết các nội dung hợp tác kinh tế này, tháp tùng ông Tập Cận Bình ngoài giới chức còn có một phái đoàn gồm hơn 100 người đứng đầu các doanh nghiệp, trong đó có nhiều công ty lớn như China Harbour, China Railway Construction  Group và nhiều ngân hàng lớn.

 

Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Ấn Độ Modi cho biết đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước Ấn Độ - Trung Quốc. Theo Thủ tướng Modi, dân số hai nước Ấn Độ - Trung Quốc chiếm khoảng 35% dân số thế giới, nếu 2 quốc gia láng giềng bắt tay phát triển kinh tế không những sẽ nâng cao mức sống của người dân hai nước mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với các nước xung quanh.

 

Thực tế cho thấy quan hệ kinh tế giữa 2 quốc gia đông dân nhất thế giới chưa thực sự khởi sắc trong những năm qua. Theo số liệu thống kê, năm ngoái, khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vượt 90 tỉ USD nhưng đầu tư của nước này sang Ấn Độ lại cực kỳ khiêm tốn, chỉ 400 triệu USD, bất chấp việc Ấn Độ là một thị trường lớn. Vì vậy việc lần này Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào Ấn Độ sẽ cải thiện đáng kể sự hiện diện của Trung Quốc tại quốc gia láng giềng.

 

Ngoài mục đích kinh tế, giới quan sát cũng cho rằng chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn nhằm làm quen với ban lãnh đạo mới của Ấn Độ, hạn chế New Delhi liên kết với Washington và Tokyo để kiềm chế Trung Quốc. 

 

Tranh chấp biên giới là rào cản không nhỏ trong quan hệ song phương
Trái ngược với triển vọng sáng sủa trong hợp tác kinh tế, xét về tổng thể, quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ không hẳn êm đẹp khi tồn tại một số bất đồng.

 

Một ngày trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố sẽ bảo vệ chặt chẽ đường biên giới dài 3.500 km với Trung Quốc. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chính phủ Ấn Độ cáo buộc trong 8 tháng qua, Trung Quốc đã xâm phạm biên giới Ấn Độ hơn 300 lần. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Syed Akbaruddin khẳng định vấn đề quan trọng này sẽ được Thủ tướng Narenda Modi nêu lên trong cuộc thảo luận với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

 

Thực tế quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc từ lâu đã tồn tại những hoài nghi sau cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Himalaya, nơi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc tăng cường xâm nhập bất hợp pháp vào biên giới của họ.Trung Quốc luôn bác bỏ và đòi chủ quyền một phần lãnh thổ của Ấn Độ ở khu vực biên giới.

 

Ngoài tranh chấp lãnh thổ, quan hệ 2 nước còn gặp trục trặc khi trong những năm qua, Bắc Kinh tăng cường thiết lập các cầu cảng, căn cứ ở khắp khu vực Nam Á như Pakistan và Sri Lanka, làm dấy lên quan ngại về việc Trung Quốc đang tìm cách bao vây Ấn Độ.

 

Không thể phủ nhận chuyến thăm Ấn Độ lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tạo cơ hội lớn trong hợp tác kinh tế giữa 2 quốc gia đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên quan hệ kinh tế phát triển mạnh chưa hẳn sẽ chuyển thành quan hệ song phương tốt về mọi mặt./. 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác