Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: hợp tác cùng phát triển

(VOV5) - Năm 2017, Việt Nam và Ấn Độ kỷ niệm 2 mốc quan trọng: 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm đối tác chiến lược.


Tại hội thảo khoa học quốc tế về vấn đề này ngày 21/3, nhiều nhà ngoại giao, giới nghiên cứu khẳng định thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã đáp ứng cho sự phát triển bền vững của mỗi nước và góp phần duy trì hòa bình trên thế giới. Trên nền tảng tốt đẹp của quan hệ song phương, Việt Nam và Ấn Độ cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác sâu hơn trong giai đoạn tới.


Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có lịch sử lâu đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru tạo dựng, cùng lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, ngày càng phát triển bền vững. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/1/1972. Năm 2007, Việt Nam - Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Lãnh đạo 2 nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2016.


Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ: hợp tác cùng phát triển - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm chính thức Việt Nam từ ngày 2 – 3/9/2016


Đáp ứng cho sự phát triển bền vững của mỗi nước 

45 năm qua, quan hệ chính trị - ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ được nâng cấp, nâng tầm, phát triển một cách sâu sắc. Giám đốc học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhận xét đây là mối quan hệ chính trị - ngoại giao hết sức tốt đẹp. Chính sự tin cậy chính trị rất cao giữa 2 nước là nền tảng cho thành quả này: "Hai nước có sự song trùng về lợi ích chiến lược, sẵn sàng tin tưởng chia sẻ với nhau trên hầu hết các vấn đề song phương cũng như đa phương, kể cả những vấn đề nóng. Đặc biệt không chỉ dừng lại ở tuyên bố mà Ấn Độ có những hành động thực tế phối hợp với Việt Nam để đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh, hợp tác tự do hàng hải ở trên Biển Đông. Sự tin cậy chính trị đó được củng cố thông qua việc 2 bên thường trao đổi đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Những năm gầy đây, các vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã đến thăm Ấn Độ. Và ngược lại các nhà  lãnh đạo Ấn Độ đã đến Việt Nam, tổ chức nhiều diễn đàn không chỉ ở vĩ mô mà cả tầm vi mô".


Trong lĩnh vực kinh tế, Ấn Độ hiện là 1 trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thứ 4 của Ấn Độ trong khối ASEAN.Mức tăng trưởng trung bình về trao đổi thương mại hàng năm là 16%,  hiện đạt 5 tỷ USD. Lãnh đạo 2 nước đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương gấp 3 lần, đạt 15 tỷ USD vào năm 2020. Về đầu tư, Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp Ấn Độ với hơn 130 dự án được triển khai. Đáng chú ý, trong lĩnh vực dầu khí, ngoài 3 lô dầu khí các doanh nghiệp Ấn Độ đang khai thác,mới đây Việt Nam mời Ấn Độ thăm dò thêm 5 lô dầu khí nữa trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Ngoài ra các lĩnh vực khác như điện, năng  lượng tái tạo cũng được 2 bên rất quan tâm.


Về quốc phòng an ninh, hợp tác quốc phòng an ninh được lãnh đạo 2 nước xác định là trụ cột chiến lược trong quan hệ song phương. Ngoài các chuyến thăm của các Bộ trưởng quốc phòng thì lộ trình hợp tác quốc phòng song phương giai đoạn 2015 - 2020 rất cụ thể, phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh về an ninh truyền thống, chống khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tăng cường an ninh mạng và chia sẻ kinh nghiệm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.


Việt Nam và Ấn Độ cũng có nhiều chương trình hợp tác trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, khoa học công nghệ, ngoại giao nhân dân. Giáo sư – Tiến sỹ Mạch Quang Thắng, giảng viên Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhìn nhận: "Hai nước đã tìm thấy và được hưởng lợi từ sức mạnh ngoại giao và hợp tác chiến lược.  Một nước Ấn Độ cần sức mạnh, cần vươn lên với tư cách là 1 nước lớn, có tầm ảnh hưởng ở khu vực và thế giới  với một tiềm năng không nhỏ về kinh tế, quân sự, văn hóa.Việt Nam cần hợp tác với tất cả các nước và Ấn độ là 1 điểm nhấn trong đó. Mối quan hệ Việt Nam – Ấn Độ trong 45 năm qua trong đó có 10 năm là đối tác chiến lược vừa đáp ứng cho sự phát triển bền vững của mỗi nước lại vừa đáp ứng cho sự tồn tại lành mạnh của nhân loại".

Thúc đẩy hợp tác sâu hơn


Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới không đơn thuần là sự tiếp nối lịch sử mà còn cần được phát triển, cần được gia cường. Giáo sư – Tiến sỹ Mạch Quang Thắng cho rằng phải đặt quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vào khung cảnh chung của các mối quan hệ quốc tế. Việt Nam cần nâng Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ lên tầm quốc gia và phía Ấn Độ cũng nên như vậy. Ngoài ra hai bên cần hợp  tác hơn nữa ở những vấn đề đã thỏa thuận.


Đi vào cụ thể, nguyên đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, nguyên Thứ trưởng phụ trách phương Đông (Bộ Ngoại giao Ấn Độ), ông Neeklakantan Ravi, đề xuất: "Hai bên cần có tính kết nối, cần có sự hỗ trợ các hãng hàng không. Công ty Jetstar của Việt Nam đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán và thực sự giúp cho ngành hàng không Việt Nam tiến bộ hơn. Ở Ấn độ cũng có khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ. Cả 2 nước có thể hỗ trợ lẫn nhau, có thể hợp tác trong lĩnh vực hàng không, làm sao tăng cường số chuyến bay trực tiếp giữa Ấn Độ và Việt Nam".


Phó Giáo sư – Tiến sỹ Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ công an, cho rằng: "Về công nghệ thông tin, Ấn Độ là một cường quốc trong lĩnh vực này. Tôi mong muốn rằng hai nước cần có những hợp tác nhiều hơn, có thể có trường đại học công nghệ thông tin của Ấn Độ tại Việt Nam. Thứ  hai là cả Ấn Độ và Việt Nam đều phải đối phó với nguy cơ an ninh mạng quốc gia nên chúng ta cần hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực này. Thứ ba là người Việt Nam rất mong muốn du lịch Ấn Độ và ngược lại. Do đó cần làm tốt hơn công tác tổ chức du lịch. Thứ tư là hợp tác nhiều hơn trongbảo đảo  an ninh hàng không, hàng hải ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Thứ năm là cần hợp tác chặt chẽ trong các diễn đàn đa phương và song phương".


45 năm qua, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trải qua một chặng đường dài và thu được những thành tựu hợp tác tốt đẹp dựa trên nền tảng của sự tin cậy về chính trị. Với bề dày thử thách và đang được tạo đà để phát triển, mối quan hệ này đứng trước triển vọng phát triển tốt đẹp trong thời gian tới vì lợi ích của 2 dân tộc.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác