(VOV5) - Yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới đang đặt ra cho Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang.
Sáng 20/7, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội cần phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của suốt 75 năm qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới. Đài tiếng nói Việt Nam trích nội dung chính trong bài phát biểu của Tổng bí thư.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN |
Mở đầu bài phát biểu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp đầu tiên sẽ mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng tốt đẹp của hoạt động Quốc hội. Tổng bí thư chúc mừng các đại biểu mới được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV.
Mỗi khoá Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng
Nhắc lại lịch sử hơn 75 năm, với 14 nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, Tổng bí thư nhấn mạnh Quốc hội luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, không ngừng phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đạt nhiều thành tựu trong các hoạt động lập pháp, giám sát, đối ngoại, quyết định các vấn đề quan trọng. Theo Tổng bí thư, nhìn một cách tổng thể, mỗi khoá Quốc hội đều để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó, thực hiện đúng chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN |
Về hoạt động lập hiến, từ khi ra đời đến nay, Quốc hội đã xây dựng và ban hành 5 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Đây là những đạo luật cơ bản của Nhà nước, tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước.
Hoạt động lập pháp ngày càng được đẩy mạnh nhằm thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ động hội nhập quốc tế.
Hoạt động giám sát với những nội dung tập trung vào những vấn đề lớn quan trọng của đất nước đã góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước khắc phục những thiếu sót, hạn chế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Việc quyết định các vấn đề quan trọng đã đạt được nhiều kết quả tích cực và ngày càng thực chất hơn. Các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chính sách tài chính - tiền tệ; chính sách dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Những thành tựu đạt được của Quốc hội trong 75 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.Quốc hội các khoá đã luôn luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương, chính sách của Đảng để thể chế hoá thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của Quốc hội. Đó là kết quả của sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”.
Cụ thể hóa các quyết sách quan trọng
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới đang đặt ra cho Việt Nam những nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Tổng Bí thư đề nghị Quốc hội tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở những lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế, xã hội: “Trước mắt, cần tập trung làm tốt công tác thể chế hoá, cụ thể hoá các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chuẩn bị về mọi mặt, bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội khoá XV có nhiều khởi sắc và đạt chất lượng ngày càng cao, đáp ứng được những yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong giai đoạn mới. Muốn thế, tất cả các vị đại biểu Quốc hội khoá này cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gần gũi và lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực hiện và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân giao phó”.
Tổng bí thư tin tưởng Quốc hội trong thời gian tới nhất định sẽ tiếp tục đóng góp to lớn hơn nữa vào công cuộc đổi mới, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.