(VOV5) -Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 6,7%..
Mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2018 đặt ra là đạt 6,7%. Tại Kỳ họp thứ 5-Quốc hội khóa 14 đang diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu cho rằng nền kinh tế của đất nước đang phát triển tốt, môi trường đầu tư đang có nhiều yếu tố thuận lợi mặc dù còn những thách thức không nhỏ như thu hút đầu tư nước ngoài, nợ công cao... mục tiêu tăng trường đặt ra hoàn toàn có thể đạt được.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình |
Theo báo cáo được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình trình bày trước Quốc hội và cử tri cả nước về tình hình kinh tế-xã hội năm 2017, 7/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong nước đạt kết quả tích cực. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81%, kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 21% và xuất siêu 2,9 tỷ USD. Đây là những tín hiệu vững chắc cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2018
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô
Từ đầu năm 2018 đến nay, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Ông Trần Hoàng Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tích cực, từ đó các nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp, công nghiệp chế biến, nông nghiệp… tăng trưởng mạnh mẽ.
Đặc biệt, môi trường đầu tư được cải thiện, đang tạo đà cho sự phát triển đất nước. "Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của Chính phủ “hành động, minh bạch và kiến tạo” chúng ta đã đạt được những thành tựu kinh tế ấn tượng năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Chúng ta tăng trưởng trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát… niểm tin đồng tiền của Việt Nam tăng; bội chi ngân sách 2017 giảm được 4.000 tỷ.
Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng trong những tháng cuối năm, mặc dù còn nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới, trong thu hút đầu tư nước ngoài… nhưng kinh tế Việt Nam hoàn toàn khả năng đạt được mục tiêu đề ra.
Cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh hiện nay, môi trường thể chế đang được cải cách, tác động bên ngoài mang tính thuận lợi nhiều hơn khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, khi đó thị trường của đất nước được mở rộng.
Ông Trịnh Ngọc Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, cho rằng: "Cần phải có chính sách phát triển vùng kinh tế, thúc đẩy vùng phát triển và tạo động lực cho vùng phát triển. Chúng ta không nên đầu tư vào một địa phương để phát triển một vùng kinh tế, điều này sẽ gây áp lực cho địa phương. Chúng ta quy hoạch đã có bài bản. Chúng ta cần có tư lệnh vùng và quỹ đầu tư cho từng vùng để khi đầu tư sẽ có sẵn nguồn vốn."
Để phát triển kinh tế theo hướng bền vững và tạo đà vững chắc trong những năm tiếp theo, các đại biểu cho rằng Chính phủ cần quan tâm đến đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Bởi đây là lực lượng, là động lực của nền kinh tế. Do đó cần tháo gỡ khó khăn cho lực lượng này phát triển. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, thể chế để thu hút doanh nghiệp dầu tư nước ngoài, bởi đây là nguồn lực rất cần thiết cho phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, cho rằng: "Chúng tôi mong Quốc hội, Chính phủ tới đây khi điều hành kinh tế vĩ mô quan tâm đến tốc độ tăng trưởng và đặc biệt là chất lượng tăng trưởng, những chỉ số liên quan như năng suất lao động, môi trường bền vững… Độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang rất lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, vì vậy phải cân đối được những yếu tố thuận lợi trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Từ đó doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tiếp cận những công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến “sức khỏe” của doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập, đón đầu được những lợi thế của nhà đầu tư nước ngoài."
Bức tranh kinh tế-xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 đã và đang tạo niềm tin lớn cho cử tri và nhân dân về sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm nay và tạo đà cho những năm tiếp theo.
Từ nay đến cuối năm, Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 6,7% như mục tiêu đã đề ra.