(VOV5) - Trang parlamentnilisty.cz đăng bài viết đề cao chủ trương của Việt Nam giải quyến vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc mới đây lần đầu tiên tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về vấn đề tăng cường an ninh biển. Chủ đề này đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Quan điểm và lập trường của Việt Nam cũng như những sáng kiến Việt Nam đề xuất tại diễn đàn không chỉ phản ánh quan điểm chung của hầu hết các lãnh đạo cấp cao và đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các tổ chức Liên Hiệp Quốc, mà còn được dư luận và truyền thông quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận mở cấp cao của HĐBA về Tăng cường an ninh biển vào tối 9/8 - Ảnh: TTXVN |
Tại diễn đàn này, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 đề xuất. Đó là quốc tế cần nhận thức toàn diện, về tầm quan trọng của đại dương và biển, cũng như các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải. Thứ hai, cần có giải pháp toàn cầu dựa trên hệ thống các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển khu vực do Liên hợp quốc điều phối để tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp hành động, kịp thời ứng phó với các thách thức chung trên toàn cầu. Và cuối cùng quan trọng nhất là các chính sách, pháp luật và ứng xử của các quốc gia về các vấn đề trên biển cần tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương LHQ và UNCLOS năm 1982.
Đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982
Tiến sĩ James Rogers, Đồng sáng lập và là Giám đốc Nghiên cứu Hội đồng Địa chiến lược Vương quốc Anh, cho rằng 3 đề xuất nhằm ứng phó với các thách thức an ninh biển mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập trong bài phát biểu của mình đặc biệt có ý nghĩa không chỉ đối với các nước trong khu vực mà còn trên toàn cầu. Tiến sĩ Rogers đánh giá cao đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển ở khu vực Biển Đông, cho rằng đề xuất này cần được ủng hộ không chỉ tại Liên hợp quốc mà còn tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt liên quan tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Theo ông, việc thiết lập một cơ chế điều phối nhằm khuyến khích các nước đề cao các quyền hàng hải quan trọng vốn được thiết lập tại UNCLOS 1982 là rất cần thiết.
Trong khi đó, chuyên trang về đối ngoại “The Diplomatic Society” (Ấn Độ) ngày 16/8 đăng bài của nhà sáng lập chuyên trang kiêm Tổng Biên tập Kirtan Bhana, đánh giá cao quan điểm của Việt Nam về an ninh biển. Tác giả nhấn mạnh UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng để tăng cường an ninh biển và trong tương lai không xa, cộng đồng quốc tế có thể thiết lập lộ trình hợp tác an ninh hàng hải toàn cầu, do Liên hợp quốc điều phối, nhằm kịp thời ứng phó với các thách thức chung trên toàn cầu.
Sau sự kiện này, truyền thông Séc có loạt bài đánh giá tích cực, đề cao vai trò của Việt Nam trong việc góp phần đảm bảo an ninh biển cũng như lập trường của Việt Nam giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Trang báo điện tử halonoviny.cz ngày 12/8 đăng bài viết nhấn mạnh là quốc gia ven biển, Việt Nam đã và đang nỗ lực tham gia góp phần bảo vệ và tăng cường an ninh trên biển.
Trang parlamentnilisty.cz cũng đăng bài viết đề cao chủ trương của Việt Nam giải quyến vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS, phản đối các hành vi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông, khẳng định giá trị của UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016. Tác giả bài viết nhấn mạnh trước tình hình an ninh biển trên thế giới, trong đó có khu vực Biển Đông, diễn biến phức tạp, quan điểm của Việt Nam được cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Âu, ủng hộ.
Phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng bảo an LHQ trực tuyến tại Hà Nội - Ảnh: TTXVN |
Báo điện tử hàng đầu Infox.ru của Nga ngày 12/8 đăng bài viết với tiêu đề “Ba bước đi mang lại hòa bình trên biển” của Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ hỗ trợ “Ý tưởng Á – Âu” Grigory Trofimchuk. Tác giả khẳng định, thông qua ba đề xuất quan trọng của mình liên quan đến an ninh hàng hải toàn cầu, Việt Nam không chỉ một lần nữa nhắc nhở thế giới về những nguy cơ của tranh chấp lãnh thổ và trách nhiệm chung trước những hậu quả có thể xảy ra, mà còn cho dư luận quốc tế thấy rõ những luận điểm cụ thể nhằm tăng cường các nỗ lực quốc tế. Tác giả bày tỏ tin tưởng các đề xuất của Việt Nam sẽ trở thành sự khởi đầu mới cho việc đạt được hòa bình lâu dài ở Biển Đông.
An ninh biển là vấn đề toàn cầu
Phiên thảo luận về vấn đề an ninh biển lần đầu tiên được tổ chức ở cấp cao như vậy cho thấy quốc tế ngày càng quan tâm đến vấn đề an ninh trên biển, trong đó có Biển Đông. Sự quan tâm này mang tính khách quan vì các điểm nóng xung đột, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống đều có xu hướng gia tăng trên các biển và đại dương, song các quốc gia chưa tìm được giải pháp hữu hiệu.
Trong bối cảnh đó, phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính với ba đề xuất quan trọng là rất đáng quan tâm. Việt Nam đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng những thách thức, đòi hỏi cách ứng phó thực sự mang tính tập thể và toàn cầu. Cách tiếp cận của Việt Nam trong vấn đề an ninh biển là hoàn toàn đúng đắn và có sự trùng hợp với quan điểm chính thức của nhiều quốc gia.