(VOV5) - Tháng hành động vì trẻ em năm nay diễn ra trên toàn quốc bắt đầu từ hôm nay, 1/6.
Với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em thúc đẩy cộng đồng xã hội cùng hành động bảo vệ, chăm sóc tốt hơn thế hệ tương lai của đất nước và bảo đảm quyền của trẻ em đúng như các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: nhandan.vn |
Tháng hành động vì trẻ em Việt Nam năm nay có nhiều thông điệp, bao gồm: Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em; gọi Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em; lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em...
Đảm bảo quyền sống an toàn, lành mạnh của trẻ em
Tháng hành động vì trẻ em nhằm huy động sự chung tay của toàn xã hội cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết: "Tháng hành động vì trẻ em lần này nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp tỉnh, trong việc chăm lo quan tâm đầu tư nguồn lực, bao gồm có ngân sách địa phương, có bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em tại cấp xã, bố trí cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cấp cộng đồng, thôn, ấp, bản, phum, sóc dân cư. Chúng ta làm sao đẩy mạnh được việc phòng ngừa xâm hại trẻ em."
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ảnh: chinhphu.vn |
Trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay, Việt Nam không chỉ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hỗ trợ, xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em, mà mục tiêu cao hơn là chuyển mạnh sang phòng ngừa, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ.
Việc tăng cường trách nhiệm của cộng đồng xã hội và có nguồn lực đầu tư hợp lý được cho là cách để thúc đẩy mục tiêu này. Vì vậy, trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội trung hạn và hằng năm tới đây, Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư cho công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ, hệ thống công tác xã hội để chăm sóc và bảo vệ trẻ em tốt hơn.
Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: "Tôi nhấn mạnh lại thông điệp là cho dù có một số địa phương còn khó khăn, cho dù Việt Nam chúng ta còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng chúng ta vẫn đủ nguồn lực để tăng cường trách nhiệm, tăng cường thực hiện chương trình mục tiêu, tăng cường các mô hình giải pháp để trẻ em chúng ta có một cuộc sống an toàn, lành mạnh hơn."
Các nhóm quyền khác của trẻ em cũng được đảm bảo
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em (CRC) vào năm 1990. Với cam kết chính trị và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các nhóm quyền của trẻ em ở mọi miền đất nước không ngừng được bảo đảm. Hệ thống pháp luật, chính sách để bảo vệ, chăm sóc trẻ em được xây dựng với nguyên tắc nhất quán “Lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em”; phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực pháp lý quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong hệ thống luật pháp đó, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 là cơ sở cho việc nội luật hóa những quy định về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Cụ thể hóa Công ước CRC và Hiến pháp 2013, Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định đầy đủ quyền, việc thực hiện quyền cũng như việc xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em...
Cùng với hệ thống luật pháp, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều chương trình, kế hoạch hành động thực hiện trên toàn quốc để bảo vệ và giải quyết các vấn đề tồn tại, phát sinh liên quan đến trẻ em. Vì vậy, sau 33 năm thực thi CRC, quyền sống của trẻ em Việt Nam ngày càng được đảm bảo tốt hơn trên thực tế. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi/1.000 ca đẻ sống đã giảm còn 20,5‰ vào năm ngoái. Trẻ em của các gia đình nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Quyền được phát triển của trẻ em cũng được nâng cao. Tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ở cấp trung học cơ sở của Việt Nam đạt 98,5% vào năm ngoái. Bình đẳng trong giáo dục được quan tâm thông qua việc ban hành các chính sách và vận động xã hội hỗ trợ trẻ em gái, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em sống trong các gia đình nghèo đi học.
Về việc thực hiện nhóm quyền được bảo vệ của trẻ em, hệ thống bảo vệ trẻ em đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Các hình thức chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm đối tượng đã góp phần đưa tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (so với tổng số trẻ em) được bảo vệ, chăm sóc đạt 96%; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 1,3% trong năm ngoái. Trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc các gia đình nghèo, dân tộc thiểu số sống ở vùng đặc biệt khó khăn của Việt Nam được miễn giảm học phí và được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu. Việt Nam đã ban hành tiêu chí liên quan đến trẻ em, như: công nhận xã phường phù hợp với trẻ em; ngôi nhà, trường học, cộng đồng an toàn nhằm bảo vệ và phòng ngừa tổn hại cho trẻ em.
Về vui chơi, giải trí và thực hiện quyền tham gia của trẻ em, Việt Nam đầu tư xây dựng và dành 30% thời lượng hoạt động cho trẻ em tại hệ thống các thiết chế văn hóa như thư viện, bảo tàng, các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, khu vui chơi thể dục thể thao… Hầu hết là các điểm vui chơi ngoài trời gần khu dân cư, an toàn, thuận tiện cho trẻ em tiếp cận. Các hoạt động tăng cường sự tham gia của trẻ em vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách về trẻ em cũng từng bước được mở rộng trên cả nước
Mặc dù đạt được những thành tựu không thể phủ nhận nhưng việc đảm bảo quyền trẻ em ở Việt Nam vẫn có những khó khăn, thách thức. Do đó, cộng đồng vẫn tiếp tục chung tay hành động để bảo đảm tốt nhất quyền của trẻ em thông qua những đợt cao điểm là các Tháng hành động vì trẻ em vào tháng 6 hằng năm. Cùng với đó, Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là nghiên cứu, sửa đổi Luật Trẻ em phù hợp với Công ước CRC, đồng thời tổ chức triển khai mạnh mẽ các nghị quyết, văn bản luật và các chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.