(VOV5) - Sau hàng loạt vụ xả súng kinh hoàng thời gian qua làm nhiều người thiệt mạng và bị thương, hôm qua Sở cảnh sát thành phố New York (Mỹ) lại yêu cầu trang mạng xã hội Twitter công bố danh tính một thành viên khi người này đã gửi tin nhắn đe dọa sẽ thực hiện vụ xả súng giết người tại rạp hát Broadway, giống như vụ thảm sát tại buổi chiếu phim Người Dơi 3, cách đây vài tuần. Vụ việc khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi vì sao nước Mỹ lại thường xuyên xảy ra tình trạng bạo lực súng và phải chăng đó là cái giá phải trả cho cái gọi là quyền tự do của người Mỹ.
Tại một cuộc triển lãm súng ở thành phố Panama, bang Florida đầu tháng 1-2011, mọi người có cơ hội mua, bán và trao đổi các loại vũ khí. Ảnh: WMBB NEWS.
Chỉ chưa đầy 2 tuần sau vụ xả súng đẫm máu tại rạp chiếu phim ở Aurora, bang Colorado làm 12 người chết và 59 người khác bị thương, nước Mỹ hôm 6.8 lại rúng động bởi một trận xả súng kinh hoàng tại một đền thờ đạo Sikh ở thành phố Milwaukee thuộc bang miền bắc Winconsin khiến ít nhất 7 người thiệt mạng. Đây chỉ là 2 bi kịch mới nhất liên quan đến bạo lực súng đang lan tràn và sâu rộng khắp nước Mỹ.
Thực tế là người dân Mỹ đã nhiều lần chứng kiến những cảnh tượng bắn giết nơi công cộng như thế. Đã không ít lần, nước Mỹ làm lễ tưởng niệm, phân tích động cơ phạm tội của hung thủ và tranh luận về việc kiểm soát súng. Nhưng tình hình dường như vẫn không được cải thiện, mức độ bạo lực và tần suất ngày càng gia tăng. Và một nghịch lý nữa là sau mỗi lần xảy ra 1 vụ xả súng, số lượng súng bán ra lại tăng mạnh. Tháng 1/2011, doanh số bán súng tại bang Arizona tăng hơn 60% ngay sau vụ xả súng làm chết 6 người và bị thương hơn 10 người khác. Còn tại bang Colorado, cuối tuần qua, Văn phòng điều tra Colorado cho biết đã phê duyệt các bản kiểm tra nhân thân cho gần 2.900 người muốn đăng ký mua vũ khí, tăng đến 43% so với tuần trước đó. Hãng sản xuất súng Sturm, Ruger & Co ở bang Connecticut đã phải ngừng nhận đặt hàng sau khi nhận được đơn đặt hàng mua tới hơn 1 triệu khẩu súng trong 3 tháng đầu năm nay. Năm 2011, theo thống kê, gần 11 triệu khẩu súng đã được bán ra ở Mỹ và năm nay con số đó chắc chắn sẽ tăng hơn rất nhiều. Một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ mới đây đã phát động một chiến dịch Ngăn chặn bạo lực súng. Theo số liệu thống kê của tổ chức này, cứ mỗi phút ở Mỹ, hơn một tá khẩu súng được bán ra hợp pháp. Hiện, có gần 300 triệu khẩu súng do cá nhân làm chủ sở hữu, gần đủ để trang bị cho từng người dân Mỹ, bất kể đàn ông, phụ nữ hay trẻ nhỏ. Cứ 10 gia đình ở Mỹ thì có 4 cất giữ súng trong nhà. Trong số đó, một số ít người sở hữu hẳn một bộ sưu tập nhiều loại súng gồm khoảng 7 khẩu súng. Tỷ lệ các vụ giết người bằng súng ở Mỹ hiện là 19,5%, cao gấp nhiều lần so với những nước giầu khác. Trong số 23 quốc gia giầu nhất thế giới, 80% số vụ tử vong do súng là người Mỹ.
Trong khi tình trạng xả súng diễn ra khá phổ biến ở Mỹ và quyền sử dụng súng được Hiến pháp chấp thuận thì tranh cãi xung quanh việc ban hành 1 dự luật kiểm soát súng vẫn chưa ngã ngũ. Cả hai phe chống và ủng hộ sở hữu súng cá nhân đều có những lý lẽ riêng của mình. Một phe cảnh báo cần phải cấm bán súng vì chúng quá nguy hiểm cho sự an lành của cộng đồng. Phe kia thì viện cớ tình hình quá bất an buộc mọi người phải mua súng để tự bảo vệ và việc cấm mua súng là đè nén các quyền tự do cơ bản của người dân. Còn bản thân Tổng thống Barack Obama cũng khó đưa ra được quyết định gì liên quan đến kiểm soát súng trong giai đoạn hiện nay. Bởi trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, ông Obama chắc chắn không thể để mất sự ủng hộ của các cử tri ở các bang như Ohio, Pennsylvania và Virginia, nơi có đông cử tri muốn quyền được sở hữu súng của bản thân, vốn được ghi trong hiến pháp Mỹ từ thuở lập quốc, bị xâm phạm. Trong khi đó, các nhóm vận động hành lang cho súng, dẫn đầu bởi Hiệp hội súng quốc gia đều rất nhiều tiền và là một thế lực nhiều ảnh hưởng ở Washington.
Rõ ràng, bất chấp những lời kêu gọi sau các vụ xả súng kinh hoàng vừa qua, Mỹ vẫn không có sự sẵn sàng về chính trị để chấm dứt tình trạng sa lầy kéo dài lâu nay quanh vấn đề kiểm soát việc sử dụng súng. Trong giai đoạn cầm quyền từ năm 1977 đến năm 1981, Cựu Tổng thống dân chủ Jimmy Carter luôn kiên trì kêu gọi cấm vũ khí tấn công. Cựu Tổng thống Dân chủ Bill Clinton năm 1994 cũng đã ký 2 đạo luật siết chặt kiểm soát vũ khí. Thế nhưng các đạo luật này đã hết hiệu lực từ năm 2004 và cho tới nay các nỗ lực làm mới chúng đều không thành công. Điều đáng nói nữa là thái độ của công chúng Mỹ hiện nay đối với thực trạng bạo lực súng ở nước này vẫn không hề thay đổi. Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây, có 49% dân Mỹ cho rằng bảo vệ quyền sử dụng súng là điều quan trọng hơn trong khi chỉ có 45% số người được hỏi ủng hộ việc kiểm soát súng chặt chẽ. Có nhiều người lập luận rằng súng không giết người, chỉ có người dùng súng để giết nhau. Nhưng, trong thời đại công nghiệp, con người trở nên dễ căng thẳng hơn, mất tự chủ hơn, lại dễ dàng có trong tay súng đạn, thì mối nguy hiểm cho sinh mạng cộng đồng càng nghiêm trọng hơn. Chừng nào nước Mỹ chưa đi đến thống nhất về một đạo luật kiểm soát vũ khí thì người dân nước này còn phải tiếp tục trả giá bằng sinh mạng của mình./.